Marketing Du kích: Bài học Marketing rút ra từ những cuộc phục kích thắng lợi

Khi nhắc đến du kích người ta thường liên tưởng đến những chiến thuật trong chiến tranh, điển hình nhất có thể kể đến chiến tranh ở Việt Nam. Dân tộc ta đã giành được thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhờ những yếu tố gây bất ngờ và tập trung đánh vào những trọng điểm của đối phương. Marketing du kích cũng có bản chất tương tự thế. Đây được xem là chiến lược marketing độc đáo và sáng tạo nhất, áp dụng thuật ‘đánh du kích” để tạo nên những hiệu ứng cực kỳ tốt. Hãy cùng Cam tìm hiểu chi tiết thêm về chiến lược này qua bài viết dưới đây nhé! 

Marketing du kích là gì?

Thuật ngữ “Marketing du kích” lần đầu xuất hiện vào năm 1984 trong quyển sách “Guerrilla Advertising” của tác giả Jay Conrad Levinson. Đây là một thuật ngữ chỉ một phương thức Marketing khác biệt, được sử dụng cho các hoạt động xúc tiến thương mại với ngân sách hạn chế.

Marketing du kích được lấy cảm hứng từ các cuộc chiến tranh, sử dụng những chiến lược nhỏ nhưng thật sáng tạo để đánh vào tâm lý của khách hàng và sẽ để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí họ. Trong chiến dịch marketing du kích, quảng cáo được đặt ra có chủ đích hướng vào các đối tượng tiềm năng nhất định và thường đặt tại những địa điểm người dùng không ngờ như: đường phố, ghế đá công cộng, trạm xe bus, thang cuốn siêu thị, và hiện nay nó còn được áp dụng rộng rãi trên các nền tảng số.

Mục tiêu của phương thức này là tạo ra yếu tố bất ngờ, khiến khách hàng được tiếp thị phải ngạc nhiên hoặc thậm chí gây sốc về thương hiệu. Và với hình thức này, người dùng sẽ không phản cảm với quảng cáo, đồng thời hiệu ứng mua hàng sẽ tăng lên nhanh chóng. So với các phương pháp tiếp thị truyền thống, marketing du kích mới mẻ và tiết kiệm được nhiều ngân sách hơn, có thể áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ tận dụng được tối đa nguồn ngân sách của mình.

Một số chiến thuật marketing du kích thường gặp

1. Outdoor Guerrilla Marketing:

Đây chính là cách truyền tải thông điệp thương hiệu bằng cách sử dụng những artwork ngoài đường phố như tranh vẽ, tượng, thậm chí là sử dụng những booth được dựng lên nhằm mục đích thu hút khách hàng…

2. Indoor Guerilla Marketing:

Tương tự như chiến dịch nói trên, Indoor Guerilla Marketing sẽ diễn ra ở các địa điểm “đóng” như trường học, ga tàu, các tòa chung cư, thang máy…

3. Event Guerilla Marketing:

Tổ chức các sự kiện gây chú ý như một buổi hòa nhạc, thi đấu thể thao như:

Flash Mobs: Những màn trình diễn nhảy cộng đồng thu hút sự chú ý của khách hàng cực kỳ hiệu quả và có thể dùng để áp dụng như các dịp lễ, khai trương, ra mắt sản phẩm.

Publicity Stunts: Những pha mạo hiểm – chiến thuật khai thác rõ nhất yếu tố giật gân, bất ngờ. Năm 2012, trong dự án Red Bull Stratos, vận động viên người Áo Felix Baumgartner đã nhảy dù từ độ cao của tầng bình lưu 128.000 feet (hơn 39km). Dự án còn lập nhiều kỷ lục thế giới khác, được xem trực tiếp trên YouTube bởi 9.5 triệu người dùng.

4. Experiential Guerilla Marketing:

Loại hình này tập trung vào trải nghiệm và tương tác của người dùng:

Undercover Marketing: Còn gọi là “marketing trà trộn”. Một ví dụ cho dễ hiểu. Trong một chiến dịch của Sony năm 2002, các diễn viên được thuê đã đi lang thang trong thành phố, nhờ những người lạ qua đường chụp ảnh họ. Khi tương tác như vậy, họ sẽ ngầm “khoe” được chiếc điện thoại Sony chụp hình tuyệt như thế nào.

Một ví dụ khác là lần hợp tác giữa Nike với ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo. Năm đó cầu thủ hiện đang thuộc biên chế của Manchester United đã cải trang thành người vô gia cư, thân hình cục mịch và khoác trên mình bộ đồ thể thao của Nike. Ngôi sao người Bồ Đào Nha xuống đường và rủ những người đi ngang qua chơi bóng. 

Treasure Hunts: Tiếng Việt nghĩa là truy tìm kho báu. Bạn tạo ra một trò chơi truy tìm giả lập cho khán giả, khiến họ hào hứng và thích thú. Người chiến thắng sẽ giành được một giải thưởng, một phần quà hấp dẫn nào đó.

Samsung UK sử dụng Twitter để tổ chức một cuộc truy tìm kho báu trên lãnh thổ toàn quốc

Marketing du kích trong thời đại số

Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số và xung quanh chúng ta những tiến bộ công nghệ đang phát triển một cách đáng kinh ngạc. Chìa khóa quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào đó chính là luôn cập nhật các kỹ thuật Digital Marketing và bao gồm cả Digital Guerrilla Marketing.

Mặc dù các nền tảng đã thay đổi từ thời Levinson nhưng thông điệp của ông vẫn luôn phù hợp hơn bao giờ hết “ ngành tiếp thị và quảng cáo chưa bao giờ bão hòa với việc các doanh nghiệp thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo của họ đến với người tiêu dùng. Do tính chất cạnh tranh ngày càng tăng, các công ty cần phải tạo ra nhiều dấu ấn để được chú ý.

Người tiêu dùng giờ đây đã rất nhạy cảm và thông thái đối với các chiến dịch truyền thông quảng cáo so với các thế hệ trước và đây chính là chính là lý do tại sao Digital Guerrilla Marketing đang bắt đầu chiếm vị trí trung tâm. Vậy chiến thuật tốt nhất để nổi bật trên Internet là gì trong khi mọi người đều có một phương tiện, một tài khoản mạng xã hội và khả năng nói lên ý kiến của họ với toàn thế giới.

Tất cả chúng ta đều biết rằng yếu tố cơ bản của marketing du kích chính là kết nối với khách hàng tiềm năng của bạn theo các độc đáo và mang cảm nhiều cảm xúc nhất có thể. Để làm được điều này, cần phải có nghiên cứu sâu rộng về khách hàng mục tiêu của bạn bằng cách kết hợp CRM, bán hàng, phân tích trang web, người theo dõi trên mạng xã hội…. Từ đó có thể hiểu khách hàng tiềm năng của bạn là ai, họ truy cập internet ở đâu và như thế nào. Tương tự, hãy đảm bảo bạn nắm rõ được các đặc điểm nhân khẩu học của người tiêu dùng như: độ tuổi, giới tính, học vấn, sở thích.. 

Kỹ thuật để làm Marketing du kích trong thời đại số

Việc chuyển đổi tất cả các công cụ tiếp thị du kích đơn thuần sang tiếp thị du kích số ta có thể tham khảo một số chiến thuật dưới dây:

Làm điều gì đó “không thể đoán trước”: Quy tắc số 1 cho marketing du kích là làm điều gì đó bất ngờ, kỳ lạ và có thể là viển vông. Hãy làm điều gì đó trên nền tảng online chưa từng được thực hiện trong ngành của bạn trước đây. Hãy sử dụng thật nhiều hình ảnh hay phương pháp storytelling để có thể truyền đạt được hết ý tưởng của mình đến với khách hàng, tăng khả năng thuyết phục người tiêu dùng thực hiện lời kêu gọi hành động hơn. 

Việc tạo ra điều bất ngờ, đột phá trong hoàn cảnh thị trường bị “bão hòa” bởi những content sáng tạo là một điều khó khăn nếu bạn không tìm hiểu kỹ về nó. Việc này có thể đòi hỏi rất nhiều suy nghĩ vì khi nhìn thoáng qua, có vẻ như tất cả các ý tưởng đều đã được thực hiện trước đó. Nhưng hãy tin tôi đi, điều đó thực sự không. Hãy giữ một cái đầu lạnh và lòng kiên trì để có thể tìm ra và sáng  tạo nên những điều khác biệt.

Kết nối ở cấp độ tiềm thức: Sự gắn kết tình cảm và cảm giác trong quá trình mua hàng là chìa khóa quan trọng để có thể thu hút khách hàng trong thế giới ngày nay. Mỗi nhãn hàng sẽ tự xây dựng cho mình một nhân vật đại diện cho thương hiệu mang một phong cách sống riêng, tạo ra những cảm giác riêng đối với người tiêu dùng trong những “điểm chạm” của họ với thương hiệu.

Việc phủ sóng rộng rãi của các các phương tiện truyền thông xã hội dẫn đầu bằng hình ảnh như Facebook và Instagram đã thúc đẩy việc sử dụng hình ảnh để bán một “phong cách sống” và “cảm giác”. Do đó, để có thể tăng “sự thiện cảm” của người tiêu dùng với thương hiệu của mình, hãy sử dụng hình ảnh để thu hút khách hàng của bạn thay vì để bán cho họ.

Truyền đạt cùng một thông điệp: Sử dụng lặp đi lặp lại cùng một thông điệp, trên nhiều kênh. Khi bạn đã tạo thông điệp đột phá của mình, hãy đảm bảo bạn sử dụng liên tục nó trên video, âm thanh, hình ảnh, nội dung bằng văn bản,…

Sử dụng kết hợp nhiều phương tiện: Đảm bảo bạn khai thác tất cả các tùy chọn hiện có trong thế giới kỹ thuật số: PR, mạng xã hội, trang đích tùy chỉnh, trò chơi, podcast, ứng dụng và cuộc thi.

Những ví dụ điển hình của Marketing du kích

The Blair Witch Project và tin đồn ma quái

The Blair Witch Project – bộ phim tâm lý kinh dị xuất sắc của Mỹ năm 1999. Điều đáng ngạc nhiên là bộ phim này được sản xuất từ 1 nhóm sinh viên với ngân sách khiêm tốn và 1 chiếc máy quay. Vậy họ đã làm thế nào để quảng bá phim của mình?

Nhóm này đã đưa ra những tin đồn bí hiểm trên mạng như: “Tháng Mười năm 1994, ba nhà làm phim sinh viên biến mất trong khu rừng gần Burkittsville, Maryland khi đang quay một bộ phim tài liệu. Một năm sau, đoạn phim của họ đã được tìm thấy.” Sau đó, họ đã thành công khi bản demo đã tạo nên một cơn sốt thực sự.

Năm 1999, phim ra mắt khán giả tại LHP độc lập Sundance, và gây sốc nặng vì tính chân thực. Người ta phải đưa ra một câu khẩu hiệu để trấn an khán giả: “Để tránh ngất xỉu, hãy liên tục tự nhắc mình rằng đây chỉ là một bộ phim”.

Nhưng biên kịch và đạo diễn của phim, Daniel Myrick và Eduardo Sánchez, lại có thông điệp ngược lại: họ muốn khán giả tưởng tượng bộ phim không phải tác phẩm hư cấu, mà giống như một phim tài liệu.

“Nhà sản xuất rất thông minh khi xóa nhòa ranh giới giữa đời thực và hư cấu” – Kermode, một nhà phê bình chuyên về phim kinh dị, nhận xét: “Họ quay một bộ phim chẳng tốn bao nhiêu tiền, rồi tạo ra một chiến dịch tiếp thị mà các công ty tiếp thị hàng đầu cũng phải mơ ước”.

UNICEF và những chai nước bẩn

Tình trạng người dân ở nhiều nơi vẫn thiếu nước sinh hoạt, phải dùng nước bẩn đã khiến UNICEF nảy ra ý tưởng đóng chai nước bẩn này và mang đến trưng bày ở máy bán hàng tự động tại các nước phát triển. Ở mỗi nút chọn món sẽ là tên một loại bệnh do thiếu nước sạch gây nên.

Rất nhiều người đã “mua” nước bẩn để ủng hộ tiền quyên góp, tất nhiên là chẳng ai uống cả. Nhưng cách này đã truyền tải tuyệt vời thông điệp: Không phải nơi nào trên thế giới cũng được tiếp cận nước sạch.

Marketing du kích có thể áp dụng được cả với cách chiến dịch phi lợi nhuận. Thay vì dùng những hình ảnh đau buồn, chết chóc, bạn có nhiều cách khác để truyền tải một ý nghĩa từ thiện và thu hút sự tương tác từ cộng đồng.

Burger King và drama bên lề

Burger King đã tạo nên những câu chuyện bên lề thu hút rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng khi tạo ra drama tranh cãi về việc mua bánh tại Burger King và những hiểu lầm có thể dẫn đến một cuộc chia tay của đôi nam nữ do nhãn hàng này nghĩ ra: Vào một ngày bình thường như mọi ngày, Burger King bỗng nhiên sôi nổi hẳn trên Instagram vì một cặp đôi đã tranh luận trực tiếp trên bài viết trên trang của họ. Thu hút rất nhiều tài khoản khác vào xem và tình cờ thương hiệu Burger King lại được nhắc đến. Đây là cách đánh thẳng vào trí tò mò của con người với những chuyện ồn ào của người khác.

TẠM KẾT 

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về Marketing du kích. Có thể thấy marketing du kích là hình thức tiếp thị ít tốn kém và tạo được hiệu quả quảng cáo mạnh mẽ không thua kém gì các chiến dịch truyền thống. Tuy nhiên, thay vì “đổ” tiền đầu tư cho việc thực hiện chiến dịch, bạn phải nắm chắc trong tay một ý tưởng thật sự táo bạo và đảm bảo hiệu quả nhất định.  Hy vọng qua bài viết này bạn đã có những ý tưởng tuyệt vời và thực hiện được những chiến dịch Marketing thành công. Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo!

Người viết: Khánh Hạ

Nguồn tham khảo: Brands Vietnam, Aim Academy, Marketing AI

Chia sẻ bài viết ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *