“Ba đời nhà tôi chữa sỏi thận” và các chiêu trò quảng cáo thuốc trên Youtube

Với sự cạnh tranh gắt gao trong rất nhiều ngành hàng, lĩnh vực hiện nay, marketing đóng vai trò ngày càng quan trọng và ngành dược cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện nay những quảng cáo các loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất hiện với một tần suất dày đặc, ngày càng “lấn lướt” những loại quảng cáo thông thường trên Youtube. Điều này không chỉ gây ra sự khó chịu với người xem mà còn dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc.

“LƯƠNG Y YOUTUBE” VÀ CHIÊU TRÒ QUẢNG CÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Thời gian gần đây, người dùng Youtube không khỏi phiền toái và khó chịu trước hàng loạt quảng cáo về các sản phẩm được mệnh danh là thuốc đông y gia truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe… với những lời rao thần thánh hóa sản phẩm “nhà tôi ba đời trị bệnh.. Cam kết khỏi bệnh 100%..”. Trước những lời quảng cáo có cánh, thiếu căn cứ này, không ít người đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, “quảng cáo nhảm nhưng hậu quả thật”. Hãy cùng Cam lật tẩy phương thức những quảng cáo này ở ngay dưới đây nhé!

https://youtube.com/watch?v=u5jU16QISog%3Ffeature%3Doembed

Về khách hàng mục tiêu và nền tảng tiếp cận

Điểm mấu chốt của quảng cáo là họ đã hiểu rất rõ insight của những người dân sinh sống ở tỉnh lẻ, những người cao tuổi và những người trung niên nói chung. Không màu mè, không luyên thuyên với những câu chuyện nhân văn mà đi thẳng vào vấn đề rằng “Nhà tôi trị sỏi thận lâu năm, được VTV đưa tin nên hãy tin tưởng”. Vậy nên có thể đối với chúng ta câu nói “Nhà tôi bà đời” đã trở thành nỗi ám ảnh và khói chịu, nhưng đối với thế hệ bố mẹ, ông bà thì nó vẫn là một câu quảng cáo đầy uy tín. Hàng ngày vẫn có cả hàng nghìn, hàng triệu đơn hàng được bán đi khắp Việt Nam cho những người lớn tuổi có ít tiền dành dụm nhưng nhiều bệnh tật, tin tưởng vào câu nói quảng cáo chắc nịch như vậy.  

ĐỌC THÊM : PHỄU MARKETING – CHÚNG TA ĐÃ TRỞ THÀNH KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG NHƯ THẾ NÀO?

Tại sao lại chọn youtube làm nền tảng? 

Hiện nay, các nội dung quảng cáo các loại dược phẩm bị cấm trên nhiều nền tảng từ Facebook, TikTok…Và chính Google cũng đang siết chặt chính sách cấm các loại quảng cáo này. Theo đó, trong chính sách nền tảng, Google hạn chế quảng bá những nội dung có liên quan đến sức khỏe của người dùng chẳng hạn như thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Tuy vậy, các đơn vị sản xuất và truyền thông các loại thuốc này vẫn tìm cách lách luật bằng cách khi khai báo thông tin thì sẽ không khai báo là thuốc, mà thay vào đó sẽ là thực phẩm chức năng để các quảng cáo này vẫn xuất hiện được trên Youtube, và đương nhiên khi bị cấm trên nhiều nền tảng nhưng lại hoạt động được ở Youtube thì các đơn vị này sẽ lựa chọn dồn ngân sách cho Youtube.

Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng Youtube ở Việt Nam rất nhiều, 95% người sử dụng Internet tại Việt Nam có sử dụng Youtube, tương đương với 50 triệu người và vẫn đang tăng theo từng ngày. Đứng sau Google và Facebook, Youtube là trang có số lượng truy cập nhiều thứ 3 tại Việt Nam. Và theo Google cũng tiết lộ: “Nội dung phù hợp và dễ tiếp cận của YouTube thu hút người dân nông thôn với 97% sử dụng nền tảng này hằng tuần và 62% xem nội dung trên đó hằng ngày”. Do đó, Youtube chính là nền tảng tiềm năng để tiếp cận được khách hàng mục tiêu của mình.

Về chiến lược nội dung

Ở góc độ người bệnh, nhất là những người cao tuổi khi xem những đoạn quảng cáo như trên họ rất dễ tin và liên hệ ngay theo số điện thoại với mong muốn dùng thuốc đông y vừa chữa được tận gốc căn bệnh, vừa rẻ tiền lại an toàn, không phải đến bệnh viện. Tâm lý của người lớn tuổi thường ưu tiên chọn những thứ gì an toàn, làm từ thiên nhiên, do đó những bài thuốc gia truyền và có tuổi đời lâu năm sẽ là lựa chọn đáng tin cậy đối với họ. Bên cạnh đó, do việc tiếp cận thông tin không bằng thế hệ trẻ, nên với ông bà, cha mẹ thì “những cái gì mà được VTV làm chương trình lên thì tôi tin hết”, họ không ý thức được rằng chính những bản tin đó cũng được dàn dựng. Tận dụng những tâm lý trên, các quảng cáo luôn nhấn mạnh “đông y gia truyền”, “lâu năm”, “được sản xuất từ dược liệu quý A, B, C từ thiên nhiên…” và được chuyên gia khuyên dùng, rồi từ đó chiếm trọn lòng tin những khách hàng mục tiêu của những người bệnh cao tuổi.’

https://youtube.com/watch?v=dJc6X75Nlz4%3Fstart%3D14%26feature%3Doembed

Để có thể bóc trần được sự thật về những video này, chúng ta có thể xem hậu trường của một buổi quay video quảng cáo dưới đây:

https://youtube.com/watch?v=0ZMSegEksik%3Ffeature%3Doembed

Qua video hậu trường của một buổi quay quảng cáo ở trên, ta có thể thấy được những gì chúng ta xem được trên các quảng cáo đông y đều sai sự thật. Từ bệnh án, cái tên, chữ ký… đều được làm giả một cách trắng trợn. Do những cách dàn dựng như vậy, rất nhiều người bệnh xem đã tin sái cổ và đặt mua với kỳ vọng sẽ chữa được bệnh, Còn người xem Youtube luôn luôn chịu cảnh bị tra tấn với những kiểu cho phép hiển thị quảng cáo của Google.

ĐỌC THÊM: TÂM LÍ HỌC HÀNH VI TRONG MARKETING: TỪ SÁCH VỞ RA ĐỜI THỰC (PHẦN 1)

Về tần suất xuất hiện

Ngồi trong quán cà phê buổi sáng, tôi không ít lần nghe thấy câu quảng cáo ‘nhà tôi ba đời nhận chữa…’. Đủ mọi loại bệnh được giới thiệu là trị khỏi nếu không sẽ được hoàn tiền. Ban đầu cũng không để ý lắm nhưng gần đây tôi bắt đầu thấy ám ảnh với những quảng cáo kiểu này“, Hoàng Lân, nhân viên văn phòng tại Quận 5, TP.HCM chia sẻ.

Theo ghi nhận, mật độ xuất hiện các quảng cáo xen giữa các đoạn video trên Youtube ngày càng nhiều hơn. Trước kia người xem chỉ phải mất khoảng 6 giây là có thể bấm bỏ qua xem quảng cáo, nhưng giờ có khi 14-15s mới được bấm qua. Lợi dụng điều này, các đơn vị bán thuốc đã rất chịu chi tiền cho Youtube do biên độ lợi nhuận bán hàng lớn. Giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi và khoảng 100-200 đồng/lượt hiển hiện, nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi trả từ 500-900 đồng/lượt. Điều này khiến học được ưu tiên gắn vào các video hơn các nội dung khác. Đó là lý do lý giải vì sao tần suất xuất hiện các quảng cáo thuốc đông y lại dày đặc như vậy.   

ĐỌC THÊM: CUSTOMER JOURNEY MAP: BẢN ĐỒ DẪN THẲNG ĐẾN TÂM LÝ KHÁCH HÀNG

KẾT LUẬN

Qua góc nhìn của marketing, chúng ta có thể thấy được sự yếu kém về cả mặt nội dung lẫn hình thức của những video quảng cáo. Với những thế hệ trẻ, tiếp cận nhiều với các nội dung trên nền tảng mạng xã hội, không khó để chúng ta phát hiện ra sự dàn dựng cũng như giả tạo xuyên suốt cả chiều dài video bên cạnh đó là những cảnh quay thiếu chuyên nghiệp và kém chất lượng. Nhưng viết đến đây, tôi chỉ muốn nhắc về lương tâm của những người sản xuất và truyền thông về những sản phẩm về thuốc như trên. Vậy đằng sau những sản phẩm được truyền thông đó là những gì?

Là cái Tâm bị cất đi và cái Tầm không thể đánh giá được

Là cái Tâm của người tạo ra đã tàng hình đi khi đưa ra những nội dung sai sự thật và cái Tầm của thương hiệu thấp đến mức người ta phải đánh giá nó là “tầm thường”. . Vì dược phẩm là ngành liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, Marketing dược phải lấy sản phẩm ra làm trung tâm, tuy nhiên, sản phẩm được quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm là thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh.

Là câu chuyện được tạo nên bởi những con người vì đồng tiền mà bất chấp

Về yếu tố con người, hầu hết những video những nhân vật đều được thuê để quay, và tất cả đều đã được lên kịch bản nhân vật sẽ nói gì, hành động gì. Có thể đến cả những vị lương y đầy kinh nghiệm mà chúng ta xem là những con người vô cùng bình thường cho đến khi họ được lên quảng cáo, và tự phong cho mình một cái nghề cao quý. Hơn thế nữa, một số người từng làm nhân viên telesale (gọi điện tư vấn) bán các loại thuốc đông y online cho biết họ đã xin nghỉ việc vì cảm thấy “cắn rứt lương tâm”.

Lợi dụng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người bệnh, những quảng cáo thuốc đông y nói trên đã bán cho người bệnh niềm tin ảo thông qua những lời rao về công dụng không tưởng của thuốc. Vậy nên, với “chiến dịch” quảng cáo lần này, chúng ta sẽ không bàn về kết quả, mà sẽ nói về những hệ lụy khi marketing không tuân theo nguyên tắc và không đặt người tiêu dùng lên hàng đầu. Tôi tự hỏi rằng lương tâm nghề nghiệp của một marketer để đi đâu khi họ thực hiện những quảng cáo  đầy phi lý và lừa dối như thế này.  

TẠM KẾT

Dù làm marketing trong bất kỳ ngành nghề nào thì bản thân mỗi Marketer phải luôn lấy người tiêu dùng lên làm trung tâm và đặt lợi ích của họ lên hàng đầu, phải luôn tĩnh tâm để không bị cuốn theo dòng chảy của doanh số và lợi nhuận. Hãy luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để có thể truyền đạt được những thông điệp sản phẩm đúng, đủ và xác thực đến với người tiêu dùng. Còn với những người tiêu dùng nên thông thái và biết chọn lọc thông tin để có những quyết định mua hàng đúng đắn.

Người viết: Khánh Hạ

Nguồn tham khảo: VTV Go, Báo Pháp luật Việt Nam, Vietnamnet

Chia sẻ bài viết ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *