Black Friday – Ý nghĩa sau ngày lễ đại hạ giá

Những ngày cuối tháng 11 đã tới, đi đâu các bạn cũng thấy đầy các khuyến mãi ngày Black Friday. Tuy nhiên, Black Friday còn mang nhiều ý nghĩa hơn là một dịp thả ga mua sắm đơn thuần cho người tiêu dùng. Cùng CaM tìm hiểu những sự thật “lấp ló” đằng sau ngày “Thứ Sáu Đen” nhé!

Sơ lược về lịch sử ngày Black Friday 

Nhắc đến Black Friday, những hình ảnh đầu tiên gợi ra trong bạn có thể là con số giảm giá sốc hoặc cảnh hỗn loạn tại các trung tâm mua sắm. Vậy Black Friday có từ bao giờ? Mối quan hệ của Ngày Lễ Tạ Ơn với kỳ mua sắm Giáng sinh đã dẫn đến tranh cãi trong những năm 1930. Các cửa hàng bán lẻ sẽ thích có một mùa mua sắm dài hơn, nhưng không có cửa hàng nào muốn phá vỡ truyền thống và là cửa hàng bắt đầu quảng cáo trước Lễ Tạ Ơn. Và đến năm 1939, tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin D. Roosevelt ban hành tuyên bố tổng thống rằng chuyển Lễ Tạ Ơn từ ngày thứ năm cuối cùng lên thành thứ năm lần thứ 4 trong tháng 11, kéo dài dịp mua sắm cuối năm, qua đó nền kinh tế đang suy yếu của Mỹ nhận được một cú hích cần thiết. Black Friday được chọn là ngày thứ sáu đầu tiên sau Lễ Tạ Ơn như sự mở đầu của dịp mua sắm. “Black” được lấy trong cụm “In the black” có nghĩa là làm ăn có lợi nhuận, thể hiện cho mong muốn, kỳ vọng của nhà bán lẻ với Thứ Sáu Đen Tối.

Vào Black Friday, nhiều cửa hàng bán hàng giảm giá mạnh vào Thứ Sáu Đen và mở rất sớm, chẳng hạn như lúc nửa đêm hoặc thậm chí có thể bắt đầu bán hàng của họ vào một thời điểm nào đó vào Lễ Tạ Ơn. Đây là cơ hội không chỉ cho những tín đồ mua sắm mà còn để người tiêu dùng phổ thông có thể mua những món hàng yêu thích mà trong năm không thể chi trả. Hơn nữa, dịp lễ cuối năm (gồm có Giáng sinh và đón năm mới) là dịp lễ quan trọng nhất đối với người phương Tây, tương tự như Tết của ta và do đó người tiêu dùng sẽ có xu hướng gia tăng việc mua sắm. Tất cả điều này khiến Black Friday như một ngày hội mua sắm thực sự, và còn có thể coi như một nét văn hóa rất “Mỹ” mà đang lan tỏa khắp thế giới.

Vậy chắc hẳn cũng nhiều bạn đặt câu hỏi, tại sao những người bán lẻ sẵn sàng đưa ra những mức sale trên trời như vậy?

Cơ hội của người bán

Khách hàng luôn mua nhiều hơn một món hàng

Là một nhà bán lẻ, đương nhiên vấn đề về lợi nhuận sẽ được ưu tiên hàng đầu. Có cửa hàng, họ sẵn sàng giảm giá tới mức còn lại lợi nhuận không cao, nhưng với số lượng hàng bán ra tăng vượt trội thì người bán vẫn thu về lợi nhuận. Và đương nhiên rất nhiều cửa hàng còn lại giảm giá chỉ bằng giá nhập, thậm chí còn thấp hơn. Theo nhiều nghiên cứu thì khách hàng có xu hướng mua nhiều hơn một món hàng trong ngày Black Friday nên dù nhiều món hàng không đem lại lợi nhuận thì nó cũng có vai trò như “nam châm” hút khách tới cửa hàng và mua thêm nhiều món đồ khác có lợi nhuận cao hơn. 

Ví dụ như: Bạn đi mua một chiếc TV được sale 30%, bạn rất vui vì cảm thấy bản thân mua được một món hời và bạn “tự thưởng” bản thân thêm nhiều phụ kiện như dây kết nối, đầu DVD, loa (có thể coi là hàng hóa bổ sung) hay kể cả những thứ không liên quan, là những thứ mang lại lợi nhuận lớn hơn TV nhiều. 

Các cửa hàng không bao giờ sale chung một mức giá

Việc giảm giá của các cửa hàng cũng tuân theo một lý thuyết kinh tế là phân biệt giá cấp III (third degree price discrimination) là phân biệt giá theo thời điểm. Trước Black Friday, các mặt hàng sẽ có giá cao để bán cho những người có nhu cầu, có khả năng chi trả và không muốn chờ đợi, sau đó cửa hàng sẽ hạ giá để thu hút tập khách hàng còn lại. Nhờ đó mà các cửa hàng có thể tối ưu hóa lợi nhuận của mình. Hơn nữa, những ai đã đi mua sắm ngày này có thể dễ dàng nhận ra đằng sau quảng cáo “Up to 60%”, sự thật là không phải mặt hàng nào cũng được giảm giá 60%. Đó có thể chỉ là những mặt hàng đã cũ và khó bán hơn, còn những mặt hàng tốt sẽ được giảm giá thấp hơn, có thể chỉ là 5-10%. Nhưng chính con số 60% là nam châm đã hút khách hàng đến mua hàng, vậy là cuộc vui mua sắm bắt đầu với các khách hàng đã “sa bẫy”. 

Cơ hội trút bỏ hàng tồn

Chính vì sức hút khủng của Black Friday nên dường như ngày này không chỉ có ý nghĩa về doanh số với các nhà bán lẻ. Đây cũng là một cơ hội xây dựng “awareness” của những cửa hàng mới khi thống kê chỉ ra rằng ở Mỹ ngày Black Friday 2017 có tổng cộng 174 triệu người tham gia mua sắm (cả trực tuyến cũng như đến tận cửa hàng).Với số lượng người tham gia lớn như vậy, Black Friday là một cơ hội lớn cho cửa hàng để được nhiều người biết đến. Thậm chí, Black Friday còn là cơ hội để đẩy đi hàng tồn kho, hàng lỗi. Đương nhiên, với các mặt hàng khó bán thì cửa hàng phải có cách khác để làm nó thu hút hơn. Đó có thể là một mức giảm giá sâu hơn hoặc có thể là trộn lẫn khu vực giữa các mặt hàng tốt và không tốt. Giữa một trận địa các món hàng giảm giá như thế, rất dễ để người mua hàng mất đi tỉnh táo để rồi mua phải món đồ không cần thiết. Đẩy được hàng tồn, hàng lỗi sinh lời rất nhiều cho cửa hàng nhưng mô hình chung có thể để lại ấn tượng không tốt cho khách hàng trong những dịp giảm giá sau, bao gồm Black Friday.

Thúc đẩy thói quen mua của người tiêu dùng

Mang lại nhiều lợi ích như vậy, tại sao người bán không thực hiện “đại hạ giá” một cách thường xuyên hơn? Câu trả lời là do “túi tiền” của người tiêu dùng là có hạn, dù có nhiều đợt giảm giá thì người tiêu dùng cũng không thể chi tiêu quá nhiều xuyên suốt cả năm mà họ thường có xu hướng mua những vật dụng quan trọng cho dịp lễ cuối năm, cũng giống cách người Việt ta sắm đồ trong dịp Tết Nguyên Đán. Trên thực tế, ngoài Black Friday, hàng năm các thương hiệu từ lớn đến nhỏ cũng đều có nhiều dịp giảm giá khuyến mại khác nhau. 

Tuy nhiên, những dịp giảm giá giả sử có tăng thêm thì cũng chỉ tạo cho người mua có cảm giác “bơ” đi với suy nghĩ “không mua bây giờ thì mua lúc khác”.Việc không triển khai quá nhiều đợt giảm giá trong năm sẽ làm khách hàng có cảm giác “khát” khuyến mãi hơn. Chính vì vậy đến Black Friday, người tiêu dùng sẽ có suy nghĩ “không mua bây giờ thì không còn cơ hội tốt nào nữa”. Chính suy nghĩ này, kết hợp với quy mô cũng như thời điểm diễn ra đã khiến Black Friday trở nên nổi bật hoàn toàn so với các sự kiện giảm giá nhỏ lẻ trong năm.

Và ý nghĩa với nền kinh tế

Theo nhận định của nhiều người doanh số bán hàng Black Friday là một cách để kiểm tra sức khỏe của ngành bán lẻ, vì nhiều nhà kinh tế học tin rằng chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ ngụ ý nếu chi tiêu cho Black Friday thấp thì sức khỏe của nền kinh tế cũng kém. Tuy nhiên, ý kiến này cũng bị nhiều sự phản đối của các nhà kinh tế học khi họ cho rằng doanh số ngày Black Friday không thể phản ánh đúng sức khỏe kinh tế mà phải nhìn vào con số của cả kỳ nghỉ cuối năm.

Lí do là bởi nhiều người chỉ thực sự quan tâm và tự tin chi trả khi nhìn thấy những con số như 60% hay cao hơn. Lượng hàng bán ra lớn trong một ngày không có nghĩa là khoản tiết kiệm của người tiêu dùng dành cho đợt lễ cuối năm lớn hơn. Chính vì thế, dự báo sức khỏe nền kinh tế dựa trên doanh số bán trong Black Friday vẫn còn là điều khá tranh cãi.

Tuy nhiên, nhờ có ngày lễ này mà doanh số bán cũng được cải thiện. Năm 2018, doanh số bán hàng trực tuyến ngày Black Friday ở Mỹ đạt 6,2 tỷ USD,một con số khổng lồ, tăng 23,6% với năm trước, trong đó doanh số từ smartphone chiếm 1/3, trung bình mỗi đơn hàng đạt 146 USD, cao hơn 8,5% với năm 2017 (Adobe Analytics). Theo tất cả các thống kê, Black Friday vẫn “chễm chệ” như là ngày mua sắm lớn nhất nước Mỹ, cũng như đã và đang tự biến mình thành một phần “văn hóa mua sắm” của đất nước này.

Tạm kết

Black Friday mang lại nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ cũng như cơ hội có được sản phẩm tốt với giá rẻ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên thật tỉnh táo trong ngày này để tránh sa vào những cuộc vui mua sắm thừa thãi không có điểm dừng. Mong rằng với bài viết này, người đọc được cung cấp đủ trang bị đã có thể tự tin tham gia Black Friday, tự tin trước những quyết định “xuống tay” của mình! CaM chúc các bạn sắm được những món đồ tốt trong những ngày còn lại của sự kiện nhé!

Chia sẻ bài viết ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *