Một sản phẩm của
CLB Marketing Trường Đại Học Ngoại Thương
Một sản phẩm của
CLB Marketing Trường Đại Học Ngoại Thương
Theo thống kê của Statista năm 2020, trên thế giới có đến 213,65 triệu công ty! Nhìn vào con số đó, thật không khó để ta hiểu tại sao thương hiệu muốn tồn tại đều phải oằn mình tìm cách thu hút người tiêu dùng. Trong vô vàn cách thức khác nhau, bởi: “Thị giác là giác quan mạnh nhất của con người: 90% thông tin truyền đến não qua thị giác và 40% các sợi thần kinh đến não được kết nối với võng mạc”, hình ảnh luôn là một dạng thông tin trực quan để thương hiệu đến gần với người tiêu dùng hơn. Trên thực tế, một bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity) thống nhất sẽ tăng khả năng ghi nhớ của khách hàng về thương hiệu lên đến 3,5 lần. Vậy Brand Identity là gì, cách thương hiệu “giao tiếp với ánh mắt” của khách hàng thế nào, v.v – hãy cùng Cam tìm hiểu trong bài viết này!
Brand Identity là gì?
Brand Identity là thuật ngữ chỉ hệ thống bộ nhận diện thương hiệu, bao gồm các yếu tố liên quan đến thiết kế logo, hình ảnh, màu sắc, các icon hay typo,… của một thương hiệu nào đó, có mục đích nhằm xác định cũng như phân biệt được sản phẩm của doanh nghiệp trong tâm trí của khách hàng.
Bộ nhận diện thương hiệu có thể xuất hiện trên logo, đồ dùng văn phòng, các trang social media, giao diện website, bao bì sản phẩm, và không ít “assets” khác của nhãn hàng.
Như đã nói ở trên, hình ảnh là một trong những điểm chạm đầu tiên của người tiêu dùng với một thương hiệu bất kì. Một bài đăng có hình ảnh có thể thu hút mức độ tương tác cao hơn 650% so với các bài đăng chỉ có văn bản; một sản phẩm có khả năng được mua cao hơn 85% nếu khách hàng đã từng xem qua video về sản phẩm đó v.v Qua đấy, chúng ta có thể thấy một bộ nhận diện thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp brand tạo ấn tượng đầu với khách hàng để rồi ghi nhớ lâu dài về thương hiệu.
“Chỉ những doanh nghiệp nhỏ với tầm nhìn hạn hẹp mới không lo nghĩ về vai trò của thiết kế trong quá trình Branding. Những chủ doanh nghiệp nhỏ dám nghĩ lớn, nghĩ đến phát triển, đến quy mô mới hiểu tầm quan trọng và đầu tư vào Branding cho công ty họ.” – Ramon Ray
Vậy thương hiệu nên tạo dựng một brand identity như thế nào? Có phải cứ nhắm mắt tạo bừa một brand identity là đã vận dụng tối đa được sức mạnh của bộ nhận diện thương hiệu? Thực tế, theo trang Digital Brand Blueprint, khi thiết kế một brand identity thương hiệu nên chú trọng các tính chất sau:
– Giao tiếp được giá trị và mục tiêu của thương hiệu với người tiêu dùng
– Tách biệt được thương hiệu với đối thủ cạnh tranh
– Tăng khả năng nhận diện thương hiệu đối với người tiêu dùng
– Thiết kế đẹp, bắt mắt, dễ thu hút với khách hàng mục tiêu
– Đồng nhất qua các sản phẩm và kênh thông tin
Brand Identity và Branding: Đâu là sự khác biệt?
Hai khái niệm Brand Identity và Branding thường bị sử dụng nhầm lẫn với nhau. Tuy vậy, trên thực tế, đây lại là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt với nhau. Cụ thể hơn:
Brand Identity bao gồm các yếu tố liên quan đến đồ họa, thiết kế như logo, bảng màu sắc, typography, photography,… mang tính thống nhất giúp khách hàng dễ nhận diện và ghi nhớ thương hiệu.
Branding là quá trình liên tục xây dựng và củng cố nhận thức về thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Bắt nguồn từ khi thương hiệu mới hình thành và đồng hành suốt quá trình phát triển của thương hiệu, quá trình Branding có thể được coi như một phạm trù chứa đựng vô số khái niệm khác nhau như định vi thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu, quảng cáo và truyền thông, tài trợ và quan hệ đối tác,…
Để hiểu rõ hơn về hai khái niệm trên, chúng ta cùng đến với Nike. Theo những nhà sáng lập, cái tên Nike được lấy cảm hứng từ nữ thần Chiến Thắng trong thần thoại Hy Lạp, thể hiện mong muốn sản phẩm Nike sẽ đưa vận động viên chuyên nghiệp lên một đỉnh cao mới, đồng thời “lột xác” người bình thường thành “vận động viên thực thụ”. Hiện nay, Nike là một trong những nhà cung cấp trang phục, dụng cụ thể thao lớn nhất thế giới, tự hào đem đến thành công, sức mạnh và hạnh phúc cho người tiêu dùng.
Bàn về Brand Identity của Nike, chúng ta cùng xét 1 khía cạnh – chiếc logo biểu tượng của hãng. Được xây dựng dựa trên lời hứa đem lại sức mạnh, quyết tâm và vinh quang chiến thắng cho khách hàng, logo “swoosh” lấy cảm hứng từ đôi cánh của nữ thần Chiến Thắng – vị thần truyền khí thế và động lực cho các chiến sĩ xung trận trong thần thoại. Trong mọi ấn phẩm và sản phẩm của Nike, chiếc logo này đều xuất hiện và dường như cứ thấy logo đó ta lại thấy “một tinh thần rất Nike” – một tinh thần quyết thắng, táo bạo, ham muốn chinh phục và quyết tâm trong thi đấu.
Thế nhưng bộ nhận diện thương hiệu chỉ là một phần trong quá trình Branding của mọi nhãn hàng trên thế giới, và Nike cũng vậy. Xét về khía cạnh sản phẩm, khoản khoản đầu tư lớn của Nike vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho phép thương hiệu sử dụng những công nghệ mới nhất để tạo ra sản phẩm ấn tượng cả về thiết kế lẫn công dụng.
“Công việc của chúng tôi là thức tỉnh khách hàng. Nếu chúng tôi trở nên dễ đoán, thì đó không phải là thức tỉnh họ dậy” – Phil Knight, người sáng lập Nike
Từ lúc ngành công nghiệp giày còn “đơn giản” và thiếu cá tính, Nike đã chú trọng tạo ra nhiều thiết kế giày với màu sắc, kiểu dáng phong phú, mới lạ. Những đôi giày hào nhoáng của Nike vì thế đã sớm chớp lấy sự chú ý khách hàng và được săn lùng bởi những người mong muốn sở hữu một đôi giày nổi bật. Mặt khác, giày của Nike được chú trọng phát triển với những đặc tính tối tân. Tiêu biểu có kể thể đến công nghệ túi hơi đệm nằm ở đế giày giúp chạy êm hơn, chất foam Nike React mềm, nhẹ nhưng duy trì năng lượng tốt, và mới nhất là chất liệu Flyknit giúp thân giày thoáng khí, mềm và ôm sát chân người dùng.
Xét về mặt dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tại các cửa hàng của Nike, các sản phẩm thuộc cùng một bộ môn thể thao được bày trí trong cùng một khu vực, và các sản phẩm có màu sắc phù hợp thường được phối hợp với nhau.
Nhờ cách bài trí đó, Nike tạo cảm giác chuyên hóa cho các sản phẩm dường như giống hệt nhau của họ. Ví dụ một khách hàng sẽ mua một đôi giày ở khu đá bóng và một đôi khác ở khu vực cầu lông. Bên cạnh đó, bày trí tập trung theo từng bộ môn cũng giúp khách hàng dễ hình dung hơn mức độ thích thú của họ khi có thể sở hữu trọn bộ sản phẩm của Nike cho một môn thể thao nhất định.
Brand Identity “nâng tầm” các thương hiệu như thế nào?
Trên thực tế có không ít case study về các công ty lớn với bộ nhận diện thương hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng, cũng như các công ty mới nhờ Brand Identity mà nhanh chóng phát triển. Thứ sức mạnh diệu kỳ mà Brand Identity đem l thương hiệu có thể kể đến:
Brand Identity – Vũ khí giúp người dùng nhận thức và nhận diện thương hiệu tốt hơn
Như đã nói ở trên, Brand Identity cần được thống nhất và bao phủ trên mọi ngóc ngách mà thương hiệu có thể giao tiếp với người dùng qua thị giác, từ logo, bao bì sản phẩm đến billboard, TVC, áp phích,… Mặt khác: Rõ ràng, khả năng ghi nhớ hình ảnh của não bộ tỉ lệ thuận với tần suất thị giác được tiếp xúc với hình ảnh đó. Với mật độ phủ sóng dày như trên, bộ nhận diện thương hiệu có thể thông qua con mắt khách hàng mà tạo ra những ấn tượng đầu tiên cũng như khắc ghi hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người dùng.
Rõ ràng, so với những thương hiệu công nghệ lớn như Motorola, Huawei, BlackBerry,… khó có một logo nào đơn giản, dễ nhận diện và dễ nhớ như “quả táo cắn nửa” của Apple. Từ năm 1976, trái táo đã này xuất hiện trên mọi sản phẩm, bao bì đóng gói của Apple, mang theo nó brand image: hiện đại, tối tân, bóng bẩy, dẫn đầu xu thế. Dễ thấy rằng những giá trị này sẽ thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và mua hàng khi thấy logo trên.
Brand Identity – Phù thủy biến hình giúp thương hiệu định hình “cá tính”
Brand Identity của một thương hiệu có thể được xem như “khuôn mặt”, “tính cách” của thương hiệu đó. Một Brand Identity bắt mắt và đặc trưng có thể mang đến cho người tiêu dùng một số ấn tượng hay cảm xúc, suy nghĩ về brand image trước cả khi họ bắt đầu sử dụng sản phẩm của thương hiệu.
Quay trở lại với Apple, mảng packaging của thương hiệu được đặc trưng bởi những hộp hình hộp chữ nhật màu trắng rất đơn giản, thanh lịch. Bên cạnh đó, website chính thức của Apple cũng khá thân thiện với người dùng khi được thiết kế với tone màu trắng chủ đạo, phần text tối giản, làm nổi bật các thông tin và button quan trọng. Qua đó, UX (trải nghiệm người dùng) khi tham quan web được tối ưu. Qua 2 khía cạnh này, Apple tạo ấn tượng với người tiêu dùng: không cầu kì, hoa mỹ mà ưu tiên tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua việc đơn giản hóa từ những thứ nhỏ nhặt nhất.
Đến với Lenovo, một công ty công nghệ lớn khác từng có một thời gian trở nên lỗi thời và cần phải lấy lại sự chú ý từ nhóm target audience trẻ tuổi. Để thực hiện điều này, năm 2014, thương hiệu đã mạnh tay thay đổi phông chữ cùng màu sắc chủ đạo của mình. Bên cạnh đó, Lenovo cũng tiến hành “chuyển đổi” phong cách thiết kế bằng thêm thắt vào các ấn phẩm của mình nhiều… màu sắc cũng như elements hơn. Qua đó, Lenovo đã “thay áo mới” cho mình, trở nên trẻ trung, năng động hơn và được nhìn nhận như một thương hiệu “luôn luôn thay đổi để phù hợp với xu thế”.
Brand Identity – Kim chỉ nam giúp thương hiệu tạo tính nhất quán cho hình ảnh
Từ case study của Lenovo ở trên, chúng ta có thể thấy: Giữ lại phần lớn hoặc thậm chí thay đổi rất ít các đặc điểm “quen thuộc” trong Brand Identity sau mỗi lần cải cách là điều không ít thương hiệu trên toàn thế giới đã và đang làm. Điều này giúp thương hiệu duy trì sự thân thuộc và tạo cảm giác “quen mắt”, tránh đẩy khách hàng gắn bó ra xa.
Ta cùng đến với Coca-Cola – một trong những thương hiệu đồ uống nổi tiếng nhất thế giới. Dù đã trải qua 12 lần thay đổi logo từ năm 1886 đến nay, có 2 đặc điểm luôn được giữ nguyên trong những phiên bản logo đó: chữ “Coca-Cola” với font script tôn lên 2 kí tự “C” và màu đỏ đặc trưng (từ năm 1950). Qua việc duy trì những nét đặc trưng với bộ nhận diện thương hiệu, Coca-Cola thể hiện được với người tiêu dùng rằng: Dù thương hiệu đang thay đổi và thích nghi với thời đại, những giá trị làm nên thương hiệu từ lúc thành lập vẫn được duy trì.
Brand Identity – Con át chủ bài tách biệt thương hiệu với đối thủ cạnh tranh
Một bộ nhận diện bắt mắt, khác biệt, đặc trưng và dễ nhớ sẽ tách biệt thương hiệu với những đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Hình ảnh này chụp rất rõ menu của một nhà hàng nào đó, bạn có đoán được đây là nhà hàng nào không?
Nếu bạn đang đau đầu với bức ảnh ở trên, thì với bức hình này ta có thể thấy rõ ràng rằng đây chính là menu của KFC trứ danh. Hình ảnh vị Đại tá Harland Sanders (người sáng lập nên chuỗi nhà hàng), màu đỏ đặc trưng cùng món gà đựng trong những chiếc cốc thiết kế theo vibe cái… “xô” đều là các đặc điểm nổi bật trong Brand Identity của hãng, giúp người tiêu dùng nhận diện và phân biệt KFC với các nhà hàng khác trên thị trường.
KẾT
Có thể nói Brand Identity là một khía cạnh không thể thiếu trong bất cứ quá trình Branding nào, và là một trong những tiếp điểm đầu tiên của người tiêu dùng với thương hiệu. Bằng cách “giao tiếp” với con mắt người tiêu dùng, thương hiệu có thể truyền đạt hiệu quả và nhanh chóng điều mình muốn nói. Qua đó, một thương hiệu sở hữu một Brand Identity “tốt” sẽ tạo được dấu ấn cũng như góp phần ghi dấu hình ảnh trong tâm trí người tiêu dùng.
Người viết: Trí Minh Phan
Nguồn tham khảo: DESIGN RUSH, DIGITAL BRAND BLUEPRINT, LOGO, Creatopy, CROWDSPRING, Bm, RAMNATH JK, strengagency, Yeti, 1000logo, 99designs, Woay, Statista, 365 Tìm Việc, MARKETING AI, BRAND INFO, DESIGNHILL, Global Marketing Professor, BXT, Lawyerment, SNS,
Từ khóa SEO: brand identity la gi, brand identity vs branding, bo nhan dien thuong hieu an tuong