Một sản phẩm của
CLB Marketing Trường Đại Học Ngoại Thương
Một sản phẩm của
CLB Marketing Trường Đại Học Ngoại Thương
Trong một nghiên cứu trên trang Harvard Business Review, “Put Purpose at the Core of Your Strategy” (Đặt mục tiêu làm nền móng chiến lược), những công ty với tốc độ phát triển nhanh đều đặt mục tiêu ở trung tâm của Brand Strategy của họ, và đã sử dụng chiến lược thương hiệu để tạo ra nguồn lợi nhuận bền vững, duy trì vị trí thương hiệu trong thị trường biến đổi chóng mặt, và in dấu ngày càng sâu đậm trong mắt người tiêu dùng. Tại sao chiến lược thương hiệu lại có tác dụng mạnh mẽ như thế? Hãy cùng Cam tìm hiểu về Brand Strategy trong bài viết dưới đây nhé!
Chiến lược thương hiệu là gì?
Nói một cách đơn giản, chiến lược thương hiệu là việc xác định cách thương hiệu sẽ “ghim” vào tâm trí của người dùng mục tiêu một điều gì đó khác biệt, quan trọng và có ý nghĩa, để họ luôn nhớ đến khi nảy sinh nhu cầu.
Một chiến lược thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc thiết kế một chiếc logo đẹp, nghĩ ra một slogan ấn tượng, hay tạo ra dòng sản phẩm tốt. Mặc dù những yếu tố này thường đóng vai trò quan trọng trong một chiến lược thương hiệu thành công, Brand Strategy còn cần phải xem xét đến những điều trừu tượng hơn như sứ mệnh thương hiệu, giá trị của thương hiệu, trải nghiệm khách hàng, cá tính thương hiệu, …
Nói tóm lại, Brand Strategy hay chiến lược thương hiệu có thể được hiểu là một bản kế hoạch dài hạn bao gồm các chỉ dẫn, giải pháp để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách thành công dựa trên những mục tiêu cụ thể. Sau cùng, những yếu tố trong một Brand Strategy sẽ giúp định vị thương hiệu, xây dựng nhận thức thương hiệu, và gia tăng tài sản thương hiệu.
Tại sao cần chiến lược thương hiệu?
Định hướng cho các chiến dịch Marketing
Một chiến lược thương hiệu được vạch ra nhằm xác định phương hướng phát triển của thương hiệu trong tương lai, đồng thời các nhân tố quan trọng như đối thủ cạnh tranh, vị trị thương hiệu trên thị trường, thị hiếu khách hàng,… đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
Mỗi chiến dịch Marketing lại lại là một bước đi mới của thương hiệu, mang một mục đích riêng, thông điệp riêng. Tuy nhiên, mỗi campaign đó đều thể hiện cá tính thương hiệu, hình ảnh thương hiệu, hay những giá trị cốt lõi mà thương hiệu đang theo đuổi. Nếu không có một chiến lược thương hiệu rõ ràng, chi tiết, thương hiệu dễ mắc phải những quyết định sai lầm, yếu kém, dẫn đến truyền tải thông điệp gây mâu thuẫn cho người tiêu dùng cũng như gây rối loạn cho những bước đi tiếp theo của thương hiệu.
Tạo tính thống nhất cho hình ảnh thương hiệu
Chiến lược thương hiệu đóng vai trò như một sổ tay hướng dẫn, thông báo cho nhân sự ở các phòng ban khác nhau đều biết và hiểu rõ hướng phát triển của thương hiệu. Đặc biệt khi thương hiệu cần làm việc với các agency hay freelancer, Brand Strategy là cách nhanh chóng và hiệu quả để đảm bảo sản phẩm họ làm ra đạt tới yêu cầu của thương hiệu.
Mặt khác, mỗi một sản phẩm, một dịch vụ, một chiến dịch truyền thông lại truyền đạt một thông tin khác nhau, tác động khác nhau lên khách hàng. Tuy nhiên, khi đằng sau các quyết định marketing đó là một chiến dịch truyền thông cụ thể, thương hiệu có thể vận dụng các mảnh ghép thông tin đó để xây dựng một hình ảnh thương hiệu đa diện, thống nhất trong tâm trí người tiêu dùng.
Tăng khả năng tiếp cận và giữ chân khách hàng
Theo “Grow, How Ideals Power Growth and Profit At The World’s 50 Greatest Companies” (Tạm dịch: Phát triển, Cách lý tưởng tiếp sức phát triển và lợi nhuận ở 50 công ty lớn nhất thế giới) của Jim Stengel: Những thương hiệu với mục tiêu mạnh mẽ đều phát triển nhanh gấp 3 lần so với đối thủ cạnh tranh.
Mỗi chiến lược thương hiệu mạnh mẽ đều có thể trả lời rõ câu hỏi “Tại sao thương hiệu tồn tại?”. Nói cách khác, Brand Strategy định hình rõ ràng mục tiêu, sứ mệnh mà thương hiệu hướng đến trong tương lai. Đôi khi, một chiến lược thương hiệu mới lạ, táo bạo có thể định hình lại mục đích hoạt động của thương hiệu, đưa thương hiệu lên một tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn, ấn tượng hơn trong mắt người tiêu dùng.
Đó chính là điều đã xảy ra với Nike vào năm 1988: họ nhận ra thương hiệu đang tự giới hạn sức phát triển của bản thân bằng việc chỉ hướng đến vận động viên chuyên nghiệp. Với Brand Strategy mới được vạch ra, họ tuyên bố mục tiêu mới của Nike là nới rộng điểm chạm với khách hàng, hướng tới mọi khía cạnh trong thể thao và sức khỏe. Chính trong chiến lược thương hiệu mới này, câu slogan huyền thoại “Just do it” đã được sinh ra và vẫn còn nổi tiếng tới tận ngày nay.
Mặt khác, hãng Pampers đã đánh dấu bước đi thành công của mình khi họ xác định lại sứ mệnh của thương hiệu. Từ năm 1997, Pampers không chỉ quan tâm đến sự khô ráo nữa, họ trở thành người trợ thủ đắc lực của những bà mẹ trong mọi bước phát triển của bé yêu. Từ một trong những nhãn hàng ít được ưa chuộng nhất của P&G, Pampers đã phát triển hàng tỷ đô la trong nhiều năm sau đó.
Trong một nghiên cứu trên HBR (tổng hợp nghiên cứu kinh tế của Harvard), 80% trong số 474 người điều hành được phỏng vấn nói rằng khách hàng có lòng trung thành lớn hơn với thương hiệu có mục đích chung. Tương tự, trong một nghiên cứu của pwc (1 trong 4 công ty kiểm toán đứng đầu thế giới) 80% khách hàng chọn mua hàng hóa dịch vụ từ công ty với mục tiêu phản ánh đúng niềm tin, giá trị cá nhân của họ.
Cải thiện tinh thần làm việc cho nhân viên
Như đã nói ở trên, với một chiến lược thương hiệu tốt, thương hiệu có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu vững mạnh hơn, phát triển nhanh chóng và tăng cường lợi nhuận. Những nhân viên của thương hiệu từ đó cũng cảm thấy được truyền cảm hứng, tin tưởng và tự hào về công việc của mình hơn.
Nhưng tác động của chiến lược thương hiệu lên nhân viên không chỉ dừng ở đó. Chiến lược thương hiệu nêu rõ định hướng, mục tiêu hoạt động của thương hiệu với nhân viên. Trong nghiên cứu của pwc “Putting purpose to work” (Tạm dịch: Đặt mục tiêu vào công việc), trong số hơn 1500 nhân viên và 500 người lãnh đạo doanh nghiệp trên 36 quốc gia, 83% nhân viên nói rằng cảm giác có mục tiêu, chí hướng khiến một ngày làm việc của họ có ý nghĩa hơn. Trong một nghiên cứu khác trên HBR , 89% người điều hành được phỏng vấn nói rằng những tổ chức có mục đích chung với nhân viên sẽ có nhân viên hài lòng với công việc hơn.
Theo khảo sát của Greg McKeown với hơn 500 người từ 1000 đội làm việc, ông đã tìm thấy một “hiện thực”: “Khi tồn tại một sự thiếu sót về tính minh bạch trong mục tiêu và giá trị của một đội, con người cảm thấy rối loạn, lo âu và bực bội. Khi xuất hiện một mục tiêu rõ ràng hơn, ngược lại, con người tỏa sáng. Sự thật là, động lực và hợp tác sẽ héo mòn khi có sự thiếu sót mục đích”.
Công thức để thu được một chiến lược thương hiệu thành công
Xác định mục đích, giá trị của thương hiệu
Mục đích phát triển cũng như giá trị cốt lõi của thương hiệu đều đóng vai trò làm nền tảng cho xây dựng chiến lược thương hiệu. Mục đích, sứ mệnh của thương hiệu chính là động lực cho thương hiệu vận hành, phát triển, còn giá trị của thương hiệu lại giúp định hướng thương hiệu trong phát triển sản phẩm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, phát động chiến dịch marketing, …
Việc xác định mục tiêu và giá trị cốt lõi của thương hiệu sẽ giúp thương hiệu duy trì tính thống nhất trong mọi bước đi, cũng như in dấu một hình ảnh thương hiệu rõ nét trong lòng người tiêu dùng. Mặt khác, khách hàng sẽ ưa chuộng và ưu tiên sản phẩm, dịch vụ từ những thương hiệu với mục đích, giá trị mà họ hưởng ứng. Mục tiêu và giá trị cốt lõi còn là vũ khí để thương hiệu khác biệt hóa bản thân trên thị trường cạnh tranh.
“Mọi thương hiệu đều đưa ra một lời hứa. Nhưng trong một thị trường nơi lòng tin của khách hàng thì thấp và nỗi lo về tiền bạc thì cao, chỉ một lời hứa không đủ để tách biệt một thương hiệu, mà phải là một sứ mệnh đặc trưng” – Allen Adamson, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty tư vấn và thiết kế Landor Associates khu vực Bắc Mĩ.
IKEA không chỉ đặt mục tiêu ở “bán nội thất tốt”, mà là “tạo ra một cuộc sống thường nhật tốt hơn”. Sứ mệnh của IKEA tách biệt thương hiệu này với các thương hiệu khác, vì khách hàng có thể tin tưởng rằng IKEA không chỉ quan tâm đến việc bán nội thất mà sẽ thực sự thay đổi cuộc sống của họ.
Bám sát với thông tin thị trường
Nắm bắt được bối cảnh thị trường mà thương hiệu đang cạnh tranh là bước quan trọng để chiến lược thương hiệu thật sự có hiệu quả trong thực tiễn. Việc xác định được nhóm khách hàng tiềm năng cũng như thị hiếu, tính cách, niềm tin của họ đều giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận và thu hút khách hàng hơn.
Mặt khác, hiểu rõ được cách hoạt động, điểm mạnh, điểm yếu của các thương hiệu khác trên thị trường là chìa khóa để thương hiệu biết cách tách biệt bản thân, làm bản thân nổi bật lên trong mắt người tiêu dùng.
Trong một thị trường năng động, luôn biến đổi, chiến lược thương hiệu cũng cần nắm bắt và kịp thời thích ứng được các xu thế, cơ hội mới nổi để duy trì sự hiện diện của thương hiệu.
Đặt ra bộ nhận diện thương hiệu
ĐỌC THÊM: BRAND IDENTITY – THƯƠNG HIỆU QUA ĐÔI MẮT NGƯỜI TIÊU DÙNG
Brand Identity chính là bộ mặt của thương hiệu, là điểm chạm của thương hiệu với khách hàng. Từ logo, màu sắc, đồ họa, đến cách thiết kế bao bì, cách bày bán sản phẩm, đều là cách thương hiệu giao tiếp với người tiêu dùng, là phương tiện để thương hiệu thể hiện cá tính thương hiệu và xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Nhờ cân nhắc kỹ càng các phương diện của Brand Identity trong chiến lược thương hiệu, thương hiệu có thể giao tiếp một cách hiệu quả và nhất quán sứ mệnh, giá trị cốt lõi và tính cách thương hiệu tới khách hàng mục tiêu qua các sản phẩm, website, và các điểm chạm khác với khách hàng.
KẾT
Nói tóm lại, Brand Strategy không chỉ là la bàn định hướng cho mọi bước đi của một thương hiệu, mà còn là trụ cột tinh thần cho nhân viên và là nam châm thu hút khách hàng tiềm năng. Đằng sau mỗi một công ty thành công là một chiến lược thương hiệu xuất sắc, giúp họ tập trung vào sứ mệnh của thương hiệu trong thị trường luôn biến động, thay đổi. Dễ thấy rằng, xây dựng một chiến lược thương hiệu mạnh mẽ là một trong những bước đầu tiên để sở hữu một thương hiệu thành công.
Người viết: Trí Minh Phan
Nguồn tham khảo: MARTECH, HubSpot, bynder, Admarket, MARKETING AI, 99designs, BRANDING STRATEGY INSIDER