Branding và Marketing: Sự khác biệt cơ bản mà Marketer cần biết

Branding và Marketing là hai cụm từ mà những người theo học ngành marketing vẫn nghe và sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, có bao giờ bạn cảm thấy bị lẫn lộn giữa hai khái niệm này hay không biết khi nào thì nên dùng Branding khi nào dùng Marketing? Nếu câu trả lời là có thì đừng lo lắng bởi đây là hai khái niệm có xu hướng bị dùng gộp và trong bài viết này, hãy cùng Cam khám phá sự khác biệt của hai khái niệm quen thuộc này nhé!

BRANDING VÀ MARKETING LÀ GÌ?

Trước khi tìm hiểu sự khác biệt giữa Branding và Marketing, chúng ta hãy cùng xem chính xác thì chúng được định nghĩa như thế nào nhé.

Branding

Thuật ngữ Branding đi ra từ “Brand” hay còn có nghĩa là thương hiệu. “Brand” được định nghĩa là cái tên, thiết kế, logo, slogan hay bất cứ điều gì để phân biệt một hàng hóa dịch vụ của nhãn hàng này với hàng hóa dịch vụ của một nhãn hàng khác. Vì thế mà Branding chính là việc xây dựng, quản lý ý nghĩa và trải nghiệm của nhãn hàng.

Nói cách khác, Branding là quá trình mang lại ý nghĩa cho tổ chức, công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể bằng cách tạo ra và định hình thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Vì vậy, Branding luôn là chiến lược lâu dài mà các nhãn hàng xây dựng để khách hàng có thể từ nhận thức đến trải nghiệm thương hiệu, từ đó lựa chọn sản phẩm của họ thay vì đối thủ cạnh tranh.

Marketing

Marketing, tương tự cũng xuất phát từ danh từ “Market” tức là cái chợ hay thị trường, vì thế Marketing là công việc liên quan tới việc trao đổi, mua bán trên thị trường. Theo Philip Kotler – “cha đẻ” của ngành marketing hiện đại, “Marketing là một dạng hoạt động của con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu, mong muốn thông qua trao đổi.” Marketing hay Tiếp thị chính là quá trình tiếp cận khách hàng để tìm ra nhu cầu, từ đó tối ưu hóa các sản phẩm dịch vụ của nhãn hàng, sau đó lại tiếp cận người tiêu dùng để tạo ra doanh số. Marketing ngày nay được hiểu bao gồm các công cụ, quy trình, chiến lược mà các nhãn hàng sử dụng để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ hay công ty của họ. 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MARKETING VÀ BRANDING

Vậy bây giờ chúng ta hãy cùng xem đâu là điểm khác biệt cơ bản giữa Branding và Marketing và tại sao chúng lại hay bị nhầm lẫn như vậy?

Branding là “what” và “why”, Marketing là “how”

Branding sẽ gắn với việc sản phẩm dịch vụ của nhãn hàng là gì, giá trị mang đến là gì và tại sao họ lại theo đuổi giá trị đó. Mặt khác, Marketing thiên về chiến thuật, tức làm cách nào để bán được sản phẩm, làm thế nào để tiếp cận được với khách hàng. Ngoài ra, Marketing là công việc liên quan trực tiếp tới quảng cáo, truyền thông về cả chất lượng sản phẩm lẫn về mặt cảm xúc.

Chiến lược Branding của Apple theo đuổi sự tự do, bay bổng và đặc biệt là mục tiêu “Think different” vì thế  trong tất cả các sản phẩm của hãng đều đem lại cảm giác đơn giản, sang trọng và thực sự khác biệt.

Branding mang tính dài hạn, Marketing mang tính ngắn hạn

Thương hiệu phản ánh giá trị cốt lõi, mục tiêu, tầm nhìn, văn hóa doanh nghiệp vì vậy một công ty muốn đứng vững trên thị trường, họ cần phải có chiến lược Branding hợp lý. Đó là lý do vì sao người làm Branding luôn theo đuổi các giá trị dài hạn, đồng thời vun đắp và xây dựng mối quan hệ dài hạn với khách hàng từ đó làm cho trải nghiệm nhãn hàng luôn tồn tại và hằn sâu trong tâm trí khách hàng, giống như một dạng kí ức gợi nhớ vậy. 

Ngược lại, Marketing gắn với các hoạt động ngắn hạn thông thường như một quảng cáo hay một chiến dịch, chúng sẽ có mở đầu và kết thúc rõ ràng và gắn với một mục tiêu ngắn hạn, không có một chiến dịch hay quảng cáo nào sẽ kéo dài mãi mãi. 

Slogan “JUST DO IT” của Nike gắn liền với hãng từ những ngày đầu thành lập, đây chính là một phần của Branding

Branding là vĩ mô, Marketing là vi mô

Công việc của người làm Marketing giống như vẽ từng chi tiết nhỏ trên bức tranh phong cảnh lớn, thông qua các hoạt động thường xuyên gắn với thúc đẩy doanh số bán hàng. Để vẽ một bức tranh hoàn thiện cần rất nhiều chi tiết, đó là lý do tại sao hoạt động Marketing rất phong phú và có thể thực hiện dưới rất nhiều hình thức (OOH, Campaign, Digital Advertising,..). Branding lại chính là bức tranh phong cảnh lớn đó, bởi khi nhìn toàn cảnh ta có thể thấy được tính cách, bản sắc, cách thấu hiểu khách hàng hay những giá trị mà doanh nghiệp đang theo đuổi. 

Branding xây dựng lòng trung thành, Marketing tạo hành động

Mỗi doanh nghiệp đều mong muốn tồn tại bền vững trên thị trường, vì thế các họ bắt buộc phải xây dựng chiến lược Branding hợp lý. Ở đó, các nhãn hàng cần kể câu chuyện của mình và thông qua các hoạt động Marketing để khách hàng có thể hiểu về giá trị cốt lõi kết quả dành sự yêu thích và sự gắn kết với nhãn hàng. Một trong những phương thức Marketing thường thấy để tạo lòng trung thành chính là tạo ra những quyền lợi đặc biệt cho khách hàng lâu năm, đó có thể là những khuyến mãi đặc biệt hay những sản phẩm dành riêng cho “khách quen” của nhãn hàng. 

Những chiếc túi Birkin Hermes đắt đỏ thế nhưng dù có nhiều tiền cũng chưa chắc đã sở hữu được vì Hermes chỉ bán chúng cho những khách hàng đã mua các sản phẩm của họ đến một mức nhất định. Điều này làm khách hàng cảm thấy họ thật “đặc biệt” và “gần gũi” với nhãn hàng.

Branding xây dựng giá trị, Marketing tạo lợi nhuận từ giá trị

Branding tìm kiếm những cảm xúc trong sâu thẳm tâm trí người tiêu dùng về nhãn hàng và khiến cho những cảm xúc đó trở nên ý nghĩa với họ, tạo ra sự lôi cuốn bền vững theo thời gian. Giống như việc các thương hiệu lâu năm làm thế nào để khiến mọi người truyền miệng về tiếng tăm của họ, làm thế nào để chính cha mẹ lại kể cho con cái về thương hiệu đó. Tuy nhiên, sự tương tác trực tiếp giữa khách hàng và sản phẩm dịch vụ của nhãn hàng phải thông qua Marketing, bởi đây là công việc liên quan đến các hoạt động xúc tiến, tiếp thị và phân phối sản phẩm nên đây là kênh trực tiếp tạo ra tiền và doanh số. Một trong những cách tiếp thị hiệu quả chính là dựa trên sự kết nối cảm xúc của khách hàng về nhãn hàng cùng với giá trị thực tiễn của sản phẩm dịch vụ đó. 

Nhiều nhãn hàng lâu năm như Knorr vẫn thường lấy cảm hứng gia đình trong các quảng cáo, nhãn hàng đặc biệt làm nổi bật sự đồng hành của sản phẩm cùng các thế hệ theo năm tháng. 

TÓM LẠI LÀ?

Vậy là chúng ta đã biết được sự khác biệt giữa Branding và Marketing, chúng hoàn toàn không phải là hai khái niệm đồng nghĩa như nhiều người vẫn hay nghĩ. Tuy nhiên, Branding và Marketing lại liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau. 

Để thương hiệu ghi dấu trong lòng khách hàng, doanh nghiệp luôn phải hiểu được rằng “Branding comes first”. Cho dù là một nhãn hàng nhỏ, bạn vẫn phải định nghĩa rõ ràng brand của mình, bằng không, cho dù bạn có một chiến lược marketing tuyệt vời đến đâu thì cũng khó lòng hiệu quả. Xây dựng thương hiệu hiệu quả không thể giúp nhãn hàng thành công trong một sớm một chiều, nhưng nó giúp doanh nghiệp hiểu rõ bản thân mình, khách hàng và từ đó giúp họ tồn tại lâu trên thị trường và có sức cạnh tranh so với các đối thủ. Branding chính là xây dựng bản sắc và sự đồng nhất trong tất cả các sản phẩm dịch vụ và Marketing là phương pháp để thúc đẩy bản sắc đó và tạo ra doanh số. 

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu được những khác biệt cơ bản của Branding và Marketing và có thể sử dụng một cách chính xác hai thuật ngữ này. Hãy đón đọc các bài viết tiếp theo của Cam nhé. 

Người viết: Phạm Lan

Nguồn tham khảo: Philip VanDusen, Outbrain, Branding compass, 99designs

Chia sẻ bài viết ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *