ChatGPT – Tân binh khủng long làng AI chào sân Marketing, thách thức hay cơ hội?

Xuất hiện vào cuối năm 2022, cơn sốt ChatGPT đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với hơn 100 triệu người sử dụng chỉ trong 2 tháng ra mắt. ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một công cụ hỏi đáp tự động (chatbot) do công ty công nghệ OpenAI phát triển thông qua tích hợp trí tuệ nhân tạo. Nhờ sở hữu nguồn dữ liệu khổng lồ và khả năng truy vấn thông tin nhanh chóng cùng kỹ thuật máy tính “Học tăng cường từ phản hồi con người”, ChatGPT hoàn toàn áp đảo những chatbot tự động hóa được đưa vào sử dụng trước đó.

Trong kỷ nguyên A.I ngày nay, ChatGPT đã được đưa vào ứng dụng trong đa lĩnh vực. Đặc biệt trong ngành tiếp thị, công cụ này đã trở thành “cánh tay phải đắc lực” cho doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và xây dựng chiến lược Marketing. Khác với các chatbot thông thường, ChatGPT ưu việt hơn ở khả năng sử dụng ngôn ngữ và tương tác với người dùng linh hoạt, tự nhiên, và tiết kiệm thời gian của nhân sự trong các tác vụ đơn giản như soạn thảo, gửi và trả lời email. Các thuật toán A.I còn giúp ChatGPT thu thập hệ thống số liệu về khách hàng nhằm đưa ra các khuyến nghị, dự đoán và phân tích các chiến lược tiếp thị. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định cải thiện yếu tố như phân khúc khách hàng, xây dựng nội dung, quảng cáo phù hợp, từ đó tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi và đưa ra phương án tiếp thị tối ưu.

Mặc dù vậy, công cụ chatbot này vẫn gây ra nhiều lo ngại bởi các mặt hạn chế liên quan đến lỗi sử dụng từ ngữ, độ đáng tin cậy của nguồn thông tin và những tranh cãi về nguy cơ bị đánh cắp thông tin người dùng. Tới thời điểm hiện tại, hầu như những lời giải ChatGPT có thể đưa ra về Marketing nói riêng còn tương đối bề nổi, thiếu chiều sâu,khó lòng áp dụng vào thực tiễn. Đó là bởi dù có quyền truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ, nhưng ChatGPT không thể tạo ra hay thu thập 2 loại dữ liệu – sự sáng tạo và cảm xúc con người – những thứ vốn là điều kiện cần và đủ để tạo nên một chiến dịch Marketing.

Trong bối cảnh việc áp dụng A.I Marketing đang trở thành xu hướng quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh hiện nay, nhiều Marketer đang rục rịch tìm cách để tối ưu hóa ChatGPT. Đơn cử như màn hợp tác chiến lược giữa thương hiệu toàn cầu Coca-cola và ChatGPT, mở ra một kỷ nguyên về Marketing với sự giúp đỡ của công nghệ. Coca-cola tiên phong triển khai kế hoạch sử dụng ChatGPT và DALL-E để cải tổ chiến dịch Marketing. Thông qua việc phân tích chiến dịch và tối ưu hóa hoạt động tiếp thị bằng cách sử dụng các hệ thống A.I, bộ phận marketing có thể nhanh chóng tạo ra nhiều loại nội dung, hình ảnh và video đa kênh tùy chỉnh để thu hút người tiêu dùng. Qua đó cải thiện chất lượng sản xuất nội dung có thể nhanh chóng nâng cao thương hiệu của Coca-Cola trên toàn cầu, củng cố hơn nữa sự thống trị thị phần của họ so với các đối thủ, đặc biệt là ở những lãnh thổ mà họ có thể không phải là người dẫn đầu thị trường.

Nhờ kĩ năng học hỏi và cải tiến không ngừng, ChatGPT hứa hẹn sẽ là một công cụ hữu ích cho các Marketer trong tương lai. Tuy nhiên, A.I không phải là đấng toàn năng, và các nhà tiếp thị thời đại 4.0 cần biết khéo léo khai thác kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và con người để tạo ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả và mang lại giá trị cho khách hàng.

Người viết: nobito

Chia sẻ bài viết ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *