Nghệ thuật Branding của Apple: Cách “hút fan” của ông lớn làng công nghệ

Liên tục nằm ở top đầu những nhãn hiệu đắt giá nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp, Apple đã trở thành thương hiệu có độ phủ sóng khổng lồ trên toàn cầu và tăng trưởng đều đặn hàng năm tuy được xếp hạng ở phân khúc cao cấp trong ngành hàng công nghệ. Đó là bởi mức độ trung thành với nhãn hàng (brand loyalty) của Apple đã đạt đến ngưỡng gần như tuyệt đối (>90%) trong ba năm gần nhất. Vậy ông lớn làng công nghệ này đã áp dụng những thủ thuật gì để tạo nên đế chế “quả táo cắn dở” tỷ đô như hiện tại, hãy cùng Cam khám phá trong bài viết này nhé!

ĐƠN GIẢN TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT

Trước hết ta cần nhắc lại một chút về branding: Branding (Xây dựng thương hiệu) là quá trình tạo ra và triển khai các đặc điểm nhận diện giúp phân biệt một sản phẩm dịch vụ với những sản phẩm dịch vụ khác trên cùng 1 thị trường. Áp dụng vào Apple, dễ thấy yếu tố quan trọng nhất giúp khán giả dễ dàng nhận diện các sản phẩm của hãng là việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity) đặc trưng và nhất quán. 

Đối với Apple, bộ nhận diện thương hiệu có thể được gói gọn trong cụm “Less is better” khi nhãn hàng này đã sớm theo đuổi phong cách tối giản và bao phủ nó lên toàn bộ những điểm chạm với khách hàng. Bộ nhận diện thương hiệu này đã phát huy tác dụng tối đa khi có một logo nào dễ nhớ, dễ nhận diện như logo quả táo cắn dở.

Kể từ năm 1977, logo trái táo đã không ngừng được tối giản hóa và xuất hiện trên mọi sản phẩm, bao bì đóng gói của Apple mang theo thông điệp của sự hiện đại, tối tân, không ngừng hoàn thiện để dẫn đầu xu thế.

Không chỉ gói gọn ở logo, website của hãng cũng thể hiện chính xác tinh thần tối giản của hãng khi được thiết kế với nhiều khoảng trắng, phông chữ sans serif, các thông tin được phân loại khoa học làm nổi bật các button. Ngoài giao diện đẹp và thu hút, thiết kế này còn chứng tỏ sự thân thiện với người dùng, hiện thực hóa mục tiêu của nhãn hàng là ưu tiên tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua việc đơn giản hóa từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Kết quả là một trải nghiệm lướt web vừa thu hút, vừa tiện lợi.

TIỆM CẬN ĐỊNH NGHĨA VỀ SỰ HOÀN HẢO

Bộ nhận diện thương hiệu chỉ là một phần trong quá trình branding của mọi nhãn hàng trên thế giới và Apple cũng không ngoại lệ. Để làm nên danh tiếng của một nhãn hàng và thuyết phục được người mua, chất lượng sản phẩm vẫn là một yếu tố chủ đạo. 

Kể từ khi chiếc Macintosh đầu tiên ra đời cho đến tận thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn nhận thấy sự tương đồng và thống nhất trong các nguyên tắc thiết kế của toàn bộ các sản phẩm. Khác biệt so với các đối thủ mà tiêu biểu là ông trùm ngành điện tử Samsung khi liên tục thay đổi thiết kế, thử nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau và luôn muốn đưa vào sản phẩm của mình những ứng dụng công nghệ tối tân nhất, người dùng dễ nhận thấy sự “chung thủy” trong thiết kế của Apple. Những thiết kế mặt kính, khung kim loại nguyên khối, những đường nét góc cạnh cứng cáp đã từng khuynh đảo giới công nghệ ở chiếc IPhone 4 và trở lại ở IPhone 12.Thoạt nhìn chúng có vẻ vô cùng đơn giản nhưng đằng sau đó là độ hoàn thiện đến tiệm cận mức “hoàn hảo” không chỉ phần vỏ ngoài mà cả nội thất bên trong. Apple không vội vã đưa vào sản phẩm của mình mọi ứng dụng tối tân nhất mà lựa chọn hoàn thiện đến mức tối đa dù có thể đi sau đối thủ.

Trong cuốn “Steve Jobs” của tác giả Waltor Isaacson thuật lại rằng Steve Jobs muốn mọi thành phần của chiếc Macintosh khi ra mắt phải nhìn thật hoàn hảo, bao gồm cả bảng mạch bên trong. Khi chúng đã được hoàn thiện, ông thậm chí đã cho khắc tên của các kỹ sư bên trong mỗi bảng mạch này bởi “Real artists sign their work” (Dịch: Nghệ sĩ thực thụ ký tác phẩm của họ). Câu chuyện thú vị này cho thấy sự cầu toàn và kỉ luật đã giúp đặt nền móng cho thành công của đế chế Apple như hiện nay.

ĐẶT TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG Ở TRUNG TÂM

Thành công thuyết phục khách hàng bằng chất lượng sản phẩm của mình, nhưng dường như đó chưa phải là tất cả bí quyết thành công của ông lớn này. Khó có thương hiệu nào trên thế giới có một lực lượng người ủng hộ cuồng nhiệt như Apple. Không dừng lại ở sản phẩm công nghệ, Apple đã tiến đến trở thành một nền văn hóa ăn sâu vào từng ngóc ngách trong đời sống hàng ngày của những người tiêu dùng trung thành. Lý do cho điều này một phần có thể kể đến những chiến lược thương hiệu tập trung củng cố giá trị cốt lõi và xây dựng cầu nối với khách hàng.

Phá vỡ rào cản về phân khúc khách hàng

Quan điểm của Apple về khách hàng mục tiêu không bao giờ bị giới hạn bởi nhân khẩu học, các tính cách nhất định hoặc bất cứ điều gì có tính chất phân chia thị trường. Khách hàng mà táo khuyết hướng đến là “mọi người”. Đó là lý do vì sao các quảng cáo của Apple không tập trung vào phô diễn những thông số kỹ thuật khủng của sản phẩm để người dùng phổ thông ở mọi lứa tuổi và địa vị đều có thể hiểu thông điệp của họ. Thay vào đó họ tập trung vào những từ khóa thu hút sự chú ý như độ phân giải camera, thời lượng pin,…

Truyền cảm hứng bằng ngôn từ và thẩm mỹ

Với thông điệp “Think Different”, Apple mang đến thông điệp về sức sáng tạo trong mọi hoàn cảnh cho dù là khắc nghiệt nhất. Điều này thể hiện qua các video quảng cáo cho sản phẩm mới của hãng khi chúng luôn thúc đẩy người dùng vượt lên những trở ngại để tiếp tục sáng tạo.

Hay với chiến dịch “Shot on Iphone” với những thước phim, bức ảnh đẹp mắt được tạo ra bằng chính camera điện thoại không chỉ cho thấy sức mạnh của camera Iphone đang dần thay thế chiếc máy ảnh mà còn khuyến khích những ý tưởng đầy tính nghệ thuật ngay với chính chiếc điện thoại của mình. Như vậy Apple đang dùng chính những trải nghiệm từ người dùng để tiếp thị cho mình, tuân theo triết lý quảng cáo của cố CEO Steve Jobs “quảng cáo phải làm nổi bật người dùng”.

Bức hình được chụp bởi người dùng, từ một chiếc iPhone 6, chễm chệ trên bảng quảng cáo khổng lồ.

Selena Gomez là ca sĩ đầu tiên quay MV hoàn toàn bằng điện thoại.

Tập trung đến giá trị cộng đồng và tính nhân văn

Tiếp nối một số tập đoàn công nghệ lớn khác như Microsoft và Amazon, Apple cũng đề ra mục tiêu trung hòa 100% lượng khí nhà kính vào năm 2030. Hiện nay, các cơ sở Apple trên toàn cầu, bao gồm Apple Store, văn phòng, trung tâm dữ liệu… đều sử dụng năng lượng mặt trời. Để đạt được tham vọng này, họ đã ấp ủ và bắt tay đầu tư, xây dựng từ năm 2014, và cứ mỗi năm lại dần tiến đến mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Lisa Jackson – Phó chủ tịch phụ trách môi trường, chính sách và sáng kiến xã hội của Apple chia sẻ: “Chúng tôi tự hào về hành trình môi trường của Apple và lộ trình đầy tham vọng mà chúng tôi đặt ra cho tương lai. Chúng tôi có một cơ hội để giúp xây dựng một nền kinh tế xanh hơn và công bằng hơn, nơi chúng tôi phát triển các ngành công nghiệp hoàn toàn mới để theo đuổi nỗ lực giúp các thế hệ tiếp theo có một hành tinh đáng gọi là nhà”.

Qua đây, Apple thể hiện mình là một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt với vấn đề môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Điều này sẽ càng củng cố vị thế của Apple là doanh nghiệp đáng tin cậy trong lòng người tiêu dùng trong bối cảnh người dùng ưu tiên ủng hộ những doanh nghiệp gắn mình với sự phát triển của cộng đồng.

Tóm lại là…

Với tất cả những yếu tố nêu trên, Apple đã thành công tạo nên sự kết nối mật thiết với những người dùng trong quá trình branding của mình khi có cả một cộng đồng IFan luôn trông chờ được trải nghiệm những thiết bị mới nhất của hãng. Những thông số kĩ thuật khủng dường như không còn là yếu tố thu hút quá nhiều sự quan tâm của phần đông người dùng đại chúng, họ mua sản phẩm Apple bởi cảm giác thỏa mãn, phấn khích khi “đập hộp” và bởi sự khẳng định đẳng cấp mà chiếc IPhone hay Mac mang lại cho chủ nhân.

Người viết: Mii

Nguồn tham khảo: GenK, business2community, Brands Vietnam.

Chia sẻ bài viết ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *