Product Placement là gì? Cách mà các thương hiệu chinh phục khách hàng qua màn ảnh

Đã bao giờ bạn quyết định order một chiếc áo xinh xắn, một chiếc kính sành điệu chỉ vì bạn yêu mến hay ấn tượng với phong cách của diễn viên trong phim khi sử dụng sản phẩm đó chưa? Nếu câu trả lời là đã từng, thì có thể bạn đã mắc phải “cái bẫy” Product Placement của các nhà sản xuất phim và nhãn hàng giăng ra rồi đấy. Hãy cùng Cam tìm hiểu về Product Placement – một chiêu thức tiếp thị không quá mới mẻ nhưng đem lại hiệu quả đáng ngờ nhé!

PRODUCT PLACEMENT (PPL) LÀ GÌ?

Product Placement (PPL) còn được gọi là “Embedded Marketing” hoặc “Embedded Advertising”. Đây là một hình thức quảng cáo mà trong đó hàng hóa và dịch vụ  của thương hiệu sẽ được giới thiệu trong một sản phẩm video nhắm đến đối tượng lớn. Tuy nhiên, sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được sử dụng và nhắc đến mà không chú trọng đến việc quảng cáo rõ ràng như các hình thức mkt khác. Product placement được tìm thấy trong rất nhiều bộ phim, chương trình truyền hình, video cá nhân, radio và ít phổ biến hơn là các liveshow biểu diễn.

Mặc dù phạm vi của PPL là rất rộng lớn nhưng bài viết này sẽ tập trung đề cập đến PPL thông qua phim ảnh thay vì gắn liền với một sự kiện hay một chương trình thực tế.

CÁC LOẠI PRODUCT PLACEMENT THƯỜNG GẶP 

Không khó để bắt gặp chiêu thức tiếp thị Product placement này trên nhiều bộ phim truyền hình của Việt Nam, Holyhood hay đặc biệt là tại Hàn Quốc. Đi cùng với sự phổ biến của PPL, các sản phẩm được nhắc đến trên màn ảnh với cách thức rất đa dạng.

Product used on screen: Đây được xem là cách dễ thu hút sự chú ý của khán giả nhất. Diễn viên sẽ cầm hoặc sử dụng sản phẩm trong phim và thỉnh thoảng lồng thêm những câu nói giới thiệu về tính năng của sản phẩm.  

Ví dụ trong bộ phim “I, Robot” đạo diễn Will Smith đã dành hẳn phân đoạn 30s miêu tả diễn viên nam mở chiếc hộp giày của thương hiệu Converse, sử dụng và thích thú khen với người thân của mình. Nhờ độ hot của bộ phim này mà thương hiệu Converse cũng đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng. Mức độ lưu truyền kéo dài cho đến hiện nay. 

Một phân cảnh trong phim “I,Robot” của Will Smith

Ngoài ra điện thoại chính là sản phẩm được quảng cáo hầu hết trong các bộ phim hàn. Đơn cử, trong phim “Hạ cánh nơi anh” , nhiều fan tinh ý nhận ra rằng, mẫu điện thoại được chị đẹp Son Ye Jin – nữ chính của phim tin dùng chính là “siêu phẩm” Samsung Galaxy Note 10 phiên bản Aura Pink. 

Son Ye Jin dùng điện thoại Samsung trong phim “Hạ cánh nơi anh”

Product seen clearly but not used: Đây là hình thức mà sản phẩm chỉ xuất hiện trên cảnh quay, diễn viên không sử dụng hay có tương tác với sản phẩm . 

Sản phẩm của Pepsi và Crunch Tators xuất hiện trong phim “Home alone”

Verbal mention: Với hình thức này, sản phẩm được gián tiếp nhắc tới trong lời thoại của nhân vật. PPL loại này như một lựa chọn khác giúp cho sản phẩm / thương hiệu xuất hiện đỡ nhàm chán.

Music: Đây là cách thức PPL mà nhạc quảng cáo của sản phẩm được dùng làm nhạc nền trong phim hoặc một cảnh quay.

Contextual: Poster của sản phẩm hay thương hiệu sẽ có mặt trong background của một cảnh quay.

Poster của Coca-Cola với màu sắc đặc trưng của hãng

Poster của VPbank xuất hiện trong một cảnh của phim “Tình khúc bạch dương”

Unbranded: Sản phẩm không xuất hiện trực tiếp trong phim nhưng nhãn hàng có thể tài trợ địa điểm cửa hàng làm nơi quay phim.

Trong bộ phim Cô Ba Sài Gòn từng gây sốt tại nhiều rạp phim Việt với sự xuất hiện của nhãn hàng Vascara. Thương hiệu này đã tài trợ địa điểm cửa hàng cho một phân cảnh quay trong phim, nữ diễn viên thích thú lựa chọn những món đồ trong cửa hàng đã để lại nhiều ấn tượng tốt của thương hiệu với người xem. 

  Một phân đoạn cửa hàng Vascara trong phim 

Hay trong một cảnh phim “ Tình khúc bạch dương“, tòa nhà của Eurowindow đã xuất hiện như một địa điểm cho đoàn quay phim.

Một cảnh trong phim “Tình khúc bạch dương”

TẠI SAO PRODUCT PLACEMENT LÀ HÌNH THỨC ĐƯỢC CÁC NHÃN HÀNG “CHỌN MẶT GỬI VÀNG”

Sử dụng PPL so với quảng cáo truyền thống đem lại hiệu quả cao hơn trong việc quảng bá sản phẩm vì nó có những yếu tố mang tác động tích cực hay lôi kéo người xem –  khách hàng của thương hiệu. 

Sản phẩm tiếp cận khách hàng một cách tinh tế và gần gũi hơn TVC quảng cáo truyền hình

TVC quảng cáo trên truyền hình thường có thời lượng khoảng 30s với mỗi sản phẩm và làm gián đoạn cảm xúc người xem.  Với cách sử dụng PPL khéo léo sẽ vừa không thể hiện rõ mục đích marketing mà vừa khiến khán giả thoải mái, dễ chịu khi xem phim.

Hơn nữa phim luôn là một phương tiện để phản chiếu đời sống thường ngày bình dị nhất của con người. Việc các sản phẩm được diễn viên sử dụng trong những phân cảnh “đời thường” đó sẽ giúp hình ảnh của sản phẩm trở nên gần gũi hơn với khách hàng.

Trong một phân cảnh của bộ phim “Hạ cánh nơi anh” nhân vật Gu Seung Jun mở một chiếc vali đầy mì gói ra và hỏi Seo Dan “Ăn mì tôm rồi hẵng đi nhé?”. Chỉ một đoạn phim ngắn nhưng chứa đựng những khoảnh khắc hàng ngày vô cùng gần gũi với người xem. 

Gu Seung Jun và Seo Dan trong “Hạ cánh nơi anh”

Người xem dễ bị ảnh hưởng bởi thần tượng của mình.

Trong các bộ phim, việc các diễn viên yêu thích sử dụng hay tương tác với sản phẩm đôi khi cũng tạo ra hiệu ứng, khiến các fan hâm mộ cũng muốn sở hữu sản phẩm tương tự. 

Trong một phân cảnh của bộ phim “Người thừa kế”, nam diễn viên Lee Min Ho vào vai Kim Tan có tặng cho bạn gái của mình một chiếc ví đến từ thương hiệu Louis Quatorze. Đại diện của thương hiệu này cho biết sản phẩm đã nhận được sự quan tâm rộng rãi sau khi tài trợ cho bộ phim “Những Người Thừa Kế”. Hiệu ứng lớn đến mức du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc mang theo hình ảnh của bộ phim và hỏi về sản phẩm. 

Chiếc ví Kim Tan tặng bạn gái trong “Những Người Thừa Kế” thật ra là PPL của thương hiệu Louis Quatorze 

Hay một ví dụ khác trong “Hạ cánh nơi anh”, nhân vật chính Yoon Se Ri thường xuyên đeo kính râm Dreamer của Gentle Monster. Cùng với sự phủ sóng của bộ phim, những chiếc kính râm lập tức trở thành xu hướng trong giới thời trang. Diễn viên, người dẫn chương trình Anne Curtis cũng đã đăng tải một story diện kính Gentle Monster trên Instagram với chú thích “Phong cách Se Ri”. 

Joon Se-Ri trong “Hạ Cánh Nơi Anh” gắn liền với những mẫu kính râm sang chảnh của Gentle Monster

Từ những tác động nhất định tới người xem khi dùng PPL quảng bá sản phẩm, các thương hiệu thường thu về kết quả tích cực cho hoạt động kinh doanh. Điều này được thể hiện rõ nhất trong doanh thu sản phẩm. 

Trong năm 2014, màu son hồng san hô trở thành màu son cực “hot” và được giới làm đẹp trên toàn thế giới săn đón, thậm chí tất cả các sản phẩm có màu sắc tương tự cũng nhanh chóng hết hàng. Lý do là vì trong bộ phim “Vì sao đưa anh tới”, chị đẹp Jun Ji-hyun đã sử dụng màu son này với thần thái xuất thần để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. 

Ngay cả phiên bản Rouge Pur Couture No 52 (màu hồng san hô) đắt tiền của nhà mốt YSL cũng không ngoại lệ. Dù đây không phải là thỏi son chính xác mà nhân vật đã sử dụng, sản phẩm vẫn liên tục bán chạy trong nhiều tháng và đã được rao bán hơn 100 USD (đắt hơn gấp 3 lần). Đại diện của YSL xác nhận chính sự nổi tiếng của bộ phim đã thúc đẩy doanh số bán của sản phẩm.

Nhờ “mợ chảnh” Jun Ji Hyun, hồng san hô trở thành màu son hot nhất năm 2014

RỦI RO CỦA PRODUCT PLACEMENT 

PPL là một phương thức quảng bá hiệu quả nhưng nếu không tinh tế để sử dụng đúng cách, đúng lúc thì chiêu thức này sẽ là con dao hai lưỡi. Không khó để thấy nhiều bộ phim quảng cáo quá lố khiến khán giả khó chịu, tụt cảm xúc khi xem phim.

Trong thời gian gần đây, siêu bom tấn The King (Quân Vương Bất Diệt) đã gặp tranh cãi rất lớn khi xuất hiện quá nhiều quảng cáo thiếu tinh tế đến mức vô duyên của loạt nhãn hàng như gà rán, trà sữa, thiết bị làm đẹp, mỹ phẩm, cà phê cho tới tầm “chơi lớn” như xe hơi, dịch vụ chuyển phát. Việc xuất hiện quảng cáo như trường hợp của The King đã làm ảnh hưởng rất lớn tới trải nghiệm của khán giả, thậm chí là trở thành một trong những lí do khiến netizen Hàn ngó lơ dự án bom tấn của biên kịch đình đám nhất nhì Hàn Quốc.

Trích phim The King (Quân Vương Bất Diệt)

Do vậy khi triển khai thục hiện PPL các nhà sản xuất phim phải tinh vi hơn. Các cảnh phim cần cần có sự trao đổi kỹ lưỡng và lên kế hoạch giữa nhà sản xuất và nhãn hàng. Sự xuất hiện của sản phẩm có thể tương đối công khai hoặc liền mạch. Ví dụ như hạn chế quảng bá cho quá nhiều sản phẩm mà có cùng chức năng. 

Tất cả diễn viên của bộ phim “Hậu duệ mặt trời” chỉ sử dụng điện thoại Samsung 

Ngoài ra văn hóa là yếu tố vô cùng quan trọng cần cân nhắc khi sử dụng PPL. Mới gần đây có thể kể đến PPL trong bộ phim “Vincenzo” với sự tham gia của diễn viên Song Joong Ki. “Vincenzo” gây tranh cãi vì quảng cáo bibimbap do Trung Quốc sản xuất trong khi đây lại là món ăn của Hàn Quốc. Sau đó, Song Joong-Ki đã công khai xin lỗi khán giả vì sự cố này.

Song Joong Ki ăn cơm trộn của Trung Quốc trong Vincenzo bị chỉ trích. 

TẠM KẾT 

Nhìn chung, Product Placement là một phương thức Marketing hiệu quả nếu được triển khai đúng cách. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay càng thông minh và tinh ý hơn. Điều đó đòi hỏi các marketer, nhà sản xuất phải khéo léo trong việc đưa các sản phẩm của mình vào phim. Đừng để sự xuất hiện quá lố của sản phẩm hay việc lựa chọn sản phẩm mà không hiểu rõ văn hóa, thị hiếu khách hàng khiến nó vô tình trở thành điểm bất lợi cho một bộ phim đáng nhẽ đã thành công.               

          Người viết: Thúy Hạnh

Nguồn Tham khảo: Advertising Việt Nam, Marketing AI.

Chia sẻ bài viết ngay

2 Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *