WALT DISNEY – Gã khổng lồ điện ảnh ghi dấu nhờ chiến lược “Đứa trẻ vĩnh cửu”

Walt Disney – thương hiệu toàn cầu gắn liền với những bộ phim hoạt hình trẻ em sống mãi với thời gian: Mickey House, Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, Donald Duck,… Vậy yếu tố nào đã giúp cho Walt Disney trở thành thương hiệu điện ảnh số 1 thế giới như hiện nay? Các bạn hãy cùng Cam tìm hiểu về chiến lược của Walt Disney mang tên “đứa trẻ vĩnh cửu”.

SƠ LƯỢC VỀ WALT DISNEY

Walt Disney là tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới có lịch sử phát triển gần 1 thế kỷ (được thành lập năm 1923 bởi anh em Walt và Roy O.Disney), và thương hiệu này được rất nhiều người ở mọi lứa tuổi trên thế giới yêu thích. Walt Disney có trụ sở chính là Walt Disney Studios tại California, Hoa Kỳ và là studio lớn nhất Hollywood.

Vậy chiến lược phát triển như thế nào đã giúp Walt Disney có được vị thế như vậy? 

Hãy cùng tìm hiểu nhé.

CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG CỦA WALT DISNEY: “ĐỨA TRẺ VĨNH CỬU”

Triết lý kinh doanh nổi tiếng của Walt Disney đó chính là: “Tôi không vẽ phim hoạt hình cho trẻ thơ, tôi vẽ phim hoạt hình trong đứa trẻ trong mỗi chúng ta. Tôi gọi đứa trẻ đó là sự ngây thơ. Trong cuộc sống, nếu vì bất cứ lý do nào mà để mất đi sự ngây thơ đó thì thật là đáng tiếc.”

Có thể thấy Walt Disney không tuân theo những lý thuyết thông thường về xác định khách hàng mục tiêu như hành vi, độ tuổi mà tập trung vào xác định nhu cầu mục tiêu (đây không phải là sản phẩm cho trẻ em – mà là sản phẩm cho những người có nhu cầu trở về tuổi thơ). Walt Disney định vị thương hiệu của mình là một tập đoàn kinh doanh giải trí dành cho mọi lứa tuổi, nhắc đến họ là nhắc đến những gì thuộc về tuổi thơ, cổ tích kỳ diệu. Sự thật là vẫn có rất nhiều bố mẹ bỏ thời gian ra để xem những bộ phim hoạt hình và thư giãn cùng con cái.

Với định vị như vậy, Walt Disney đã tạo ra những câu chuyện tốt nhất để đủ sức khơi dậy “đứa trẻ” trong mỗi khán giả của mình. Vậy Disney đã làm điều này như thế nào, các bạn hãy cùng Cam tìm hiểu nhé.

WALT DISNEY VÀ NHỮNG “CÂU CHUYỆN TỶ ĐÔ” LAY ĐỘNG TRÁI TIM MỖI “ĐỨA TRẺ” 

Chú trọng Internal Branding

Với một thương hiệu được tạo nên từ những câu chuyện như Disney thì bước đệm đầu tiên để tạo ra được những tác phẩm tốt chính là phát triển nguồn nhân lực, bởi vì những câu chuyện là sản phẩm sinh ra từ bộ óc con người. Và thật vậy, Walt Disney là một thương hiệu rất thành công trong việc xây dựng niềm tin tuyệt đối của những “khách hàng nội bộ”. 

Để thu hút nhân tài về công ty của mình, Walt Disney đã định vị thương hiệu mình là 1 phần của lực lượng sáng tạo làm nên thế giới tưởng tượng cho mọi “đứa trẻ” trên toàn cầu, từ đó tạo nên một niềm tự hào nội bộ to lớn cho nhân viên: “Nếu bạn muốn trở thành 1 phần của điều vĩ đại đó thì hãy gia nhập vào Walt Disney và làm việc hết mình cho chúng tôi. Tại Walt Disney, công ty là “sàn diễn”, nhân viên là “diễn viên” và khách hàng là “người xem”.

Khắt khe với từng tác phẩm của mình

Walt Disney luôn đặt ra tiêu chuẩn cao nhất cho mỗi tác phẩm của mình. Một minh chứng cụ thể nhất cho việc này là bộ phim “Snow White” (Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn). Kinh phí thực hiện bộ phim đã tăng gấp 8 lần so với kinh phí dự kiến vì sự quá khó tính của Walt Disney trong việc chấp nhận những bức vẽ của các họa sĩ (để hoàn thành bộ phim, các họa sĩ đã phải vẽ đến hơn 2 triệu bức vẽ tay). Bộ phim tiêu tốn tiền bạc một cách khủng khiếp lên tới gần 1,5 triệu USD lúc bấy giờ và khiến những ngân hàng cũng phải lo sợ về khả năng thu hồi vốn của bộ phim. “Chúng tôi sẽ làm bộ phim này đến sự hoàn hảo nhất, không có một giới hạn về thời gian, kinh phí hay sự sáng tạo nào ngăn cản được chúng tôi” – Walt Disney đã trả lời những ngân hàng như thế.  

Và sau cùng thì bộ phim đã thành công vang dội khi ra mắt – thu về 8 triệu USD trong tháng đầu tiên sau khi công chiếu. Với những vật phẩm “ăn theo,” kết hợp với những lần chiếu lại thì “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn” đã mang lại cho Disney hơn 416 triệu USD trong suốt gần một thế kỷ qua. “Cả kinh đô Hollywood sững sờ trước tuyệt tác của tôi” – Walt Disney phấn khích chia sẻ.

Cùng đến với một ví dụ khác để thấy rõ sự tỉ mỉ của Disney trong tác phẩm của mình, đó chính là bộ phim Frozen 2- bộ phim khiến Walt Disney mất tới hơn 4 năm để sản xuất (2015-2019). Kỹ xảo của bộ phim lần này đã được nâng lên một tầm cao mới khi có sự trợ giúp của Pixar trong việc làm hiệu ứng đồ họa. Disney còn sử dụng một phần mềm độc quyền hoàn toàn mới – một trình giả lập giải mã tóc có tên Beast, giúp các nhà làm phim có được những lọn tóc đầy nghệ thuật cho Anna, hiệu ứng gió trên mái tóc của Kristoff và phong cách tóc mới cho Elsa. Vì vậy mà từng sợi tóc, thậm chí đến cả từng cái lông tơ trên mặt Elsa đều được thể hiện vô cùng rõ nét và chân thực. 

Thấu hiểu khách hàng bằng cả trái tim 

Tại châu Âu, Walt Disney sở hữu hơn 30 nhà nghiên cứu chỉ chuyên trò chuyện với hơn 70.000 người lớn và trẻ em tại khu vực này. Nhờ vậy, họ có thể liên tục cập nhật đủ dữ liệu để thấu hiểu được thói quen, hành vi, tâm lý và cả cảm xúc của khách hàng từ đó tìm ra được cách chinh phục khán giả của mình. Chúng ta cùng tìm hiểu về một số đặc tính trong các câu chuyện của Disney để thấy được điều này.

Tính giải trí: Các câu chuyện của Disney đều mang tính giải trí cao với yếu tố hài hước, nhẹ nhàng – không hack não khán giả xen lẫn các tình tiết lãng mạn hay gay cấn,… Tính giải trí giúp Disney đánh được vào tâm lý “thư giãn cùng gia đình” của khách hàng lớn tuổi (họ chịu sự mệt mỏi, áp lực từ công việc hàng ngày và cảm thấy ít có thời gian cùng con cái, vì vậy họ sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc để thưởng thức những món ăn tinh thần của Walt Disney cùng với con cái của mình – vừa giúp giải tỏa áp lực, vừa giúp họ có thời gian bên con cái).

Tính nhất quán và tích cực: Disney luôn cố gắng đa dạng hóa cốt truyện của mình bằng cách không ngừng tạo ra các tác phẩm mới (Disney hiện đang sở hữu hơn 1000 thương hiệu nhân vật). Tuy nhiên, các tác phẩm của Disney luôn thể hiện sự nhất quán về mô típ của câu chuyện – đó là những mô típ thiện thắng ác, kết thúc có hậu, tình tiết không hóc búa phù hợp với tâm tính trẻ nhỏ,… Vì vậy, các câu chuyện của Disney luôn mang lại cảm xúc tích cực và sự thoải mái khi xem cho khán giả, điều này giúp các tác phẩm của Disney nhận được sự ủng hộ lớn từ các bậc cha mẹ khi họ coi những câu chuyện của Disney là những bài học vừa thú vị vừa bổ ích cho con mình.

Câu chuyện hay kết hợp những đặc tính đánh vào tâm lý khán giả đã giúp các tác phẩm của Disney chạm được đến “đứa trẻ” bên trong mỗi bậc cha mẹ và đạt được thành công to lớn về mặt doanh thu. Điển hình như Frozen 2 có doanh thu hơn 1,3 tỷ USD năm 2019 hay những bộ phim như Toy Story 3 (1,06 tỷ USD, 2010), Finding Dory (1,02 tỷ USD, 2016), và Incredibles 2 (1,24 tỷ USD, 2018),…

MANG DISNEY ĐẾN GẦN HƠN VỚI NHỮNG “ĐỨA TRẺ”

Disney sáng tạo ra những câu chuyện hay, rồi họ kể và bán những câu chuyện đó cho khách hàng dưới hình thức phim ảnh. Không dừng lại ở đó, Walt Disney tiếp tục tìm cách để kết nối những câu chuyện của mình với nhiều “đứa trẻ” nhất có thể – câu chuyện không chỉ dừng lại ở rạp chiếu phim.

Nhượng quyền thương hiệu

Walt Disney đã tuyên bố rất rõ ràng: “Tôi sẽ không để lợi nhuận từ những nhân vật của mình bị giới hạn trong bất kỳ hình thức kinh doanh nào”. 

Với tình yêu dành cho các bộ phim của Walt Disney, “fan” của Disney không ngần ngại chi tiền cho các sản phẩm ăn theo như: đồ chơi, phụ kiện và các bộ trang phục để hóa thân thành các nhân vật trong phim và tận hưởng sự kết nối cảm xúc với câu chuyện theo một cách mới. 

Hiểu được điều này, Walt Disney tiến hành nhượng quyền hàng loạt thương hiệu nhân vật của mình và khởi đầu là chú chuột Mickey nổi tiếng. Hình ảnh chú chuột này xuất hiện khắp mọi ngóc ngách trên thế giới từ phim hoạt hình, sản phẩm vật dụng hằng ngày của học sinh, đến những chiếc xe… Những que kem có hình ảnh chú chuột này mang sau 2 năm bán được 1,000,000 cây tại Mỹ – mang về lợi nhuận 0,5 USD/cây kem cho Walt Disney. Nhưng quan trọng nhất là việc hình ảnh chú chuột Mickey được phủ sóng khắp mọi nơi, đồng nghĩa với thương hiệu được in sâu trong tâm trí khách hàng mà Disney không tốn một đồng quảng cáo nào.

Một thương hiệu nổi tiếng khác mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Disney từ việc nhượng quyền thương hiệu đó chính là Frozen – phim hoạt hình với doanh thu cao nhất mọi thời đại. Theo New York Times, sau 1 năm kể từ ngày phát hành Frozen phần 1, Disney đã bán được 3 triệu bộ váy công chúa ở thị trường Bắc Mỹ. Sau đó, hãng còn tiếp tục đưa hình ảnh “Frozen” vào các sản phẩm như: nước ép, huy hiệu, nước hoa cho bé, sản phẩm chăm sóc răng miệng…Đến năm 2015, các sản phẩm ăn theo phim Frozen vẫn bán rất chạy, giúp Disney thu thêm 626 triệu USD lợi nhuận, tăng 46% so với năm trước đó.

Mở rộng danh mục sản phẩm và dịch vụ liên quan

Để câu chuyện của mình kết nối sâu hơn với khán giả, Walt Disney đã đưa những nhân vật của thương hiệu mình vào thế giới thật thông qua việc đầu tư xây dựng Disneyland – công viên giải trí đầu tiên tại Mỹ và trên thế giới. Có thể ví Disneyland như một siêu thị khổng lồ chứa đựng tất cả các sản phẩm mang thương hiệu của Walt Disney và 1 loạt những dịch vụ đi kèm. Hiện nay, Disneyland đã xuất hiện ở Tokyo, Paris và Hong Kong và thu hút hàng triệu khách du lịch hàng năm từ mọi nơi trên thế giới, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Walt Disney. 

Không dừng lại ở việc xây dựng Disneyland, Walt Disney còn mở rộng phương thức tiếp cận khán giả của mình bằng cách thành lập kênh truyền hình Disney Channel – đây là kênh chỉ chiếu các tác phẩm, chương trình của Walt Disney. Đây có thể coi là một bước đi rất táo bạo của Walt Disney bởi vì họ phải cạnh tranh trực tiếp với những ông lớn trong ngành truyền hình như Cartoon Network, HBO, Star Movie,… Nhưng cuối cùng thì Walt Disney vẫn đã thành công, Disney Channel đã trở thành 1 trong những kênh truyền hình được trẻ em yêu thích nhất thế giới và sau này Disney đã tiếp tục phát triển các dịch vụ truyền thông mới như Disney Junior, Disney+,… 

TẠM KẾT

Để duy trì thành công cho tới nay, dù gặp phải rất nhiều đối thủ cạnh tranh và khó khăn nhưng Walt Disney vẫn vươn lên và đạt được vị thế dẫn đầu như ngày nay. Tất cả đều nhờ vào chiến lược thương hiệu tài tình, độc đáo – “đứa trẻ vĩnh cửu”. Đằng sau những nụ cười của trẻ thơ trong rạp chiếu phim là một đế chế thật sự hùng mạnh mang tên Walt Disney. Các bạn hãy tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Cam để biết thêm về những chiến lược thương hiệu đẳng cấp khác nhé. 

Người viết: Quang Tuệ

Chia sẻ bài viết ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *